“Tổng đài điện thoại quốc gia hàng năm phải tiếp nhận và hỗ trợ trên 500 nghìn cuộc gọi. Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng việc giải quyết những yêu cầu, thắc mắc và báo cáo về Bảo vệ trẻ em chưa được như mong đợi”, chị Lê Thị Thảo – phó trưởng ca Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 chia sẻ. Tại Tổng đài 111, 32 tư vấn viên được chia làm 3 ca trực, suốt 24 tiếng mỗi ngày phải căng mình tiếp nhận những cuộc gọi dồn dập bất kể ngày đêm. Thế nhưng, hạn chế về nguồn nhân lực không phải là nỗi trăn trở duy nhất của chị Thảo và các đồng nghiệp: “Sự phối hợp giữa Tổng đài và địa phương trong giải quyết và hỗ trợ các trường hợp bảo vệ trẻ em cũng còn nhiều hạn chế do thiếu hụt các kênh tương tác và chia sẻ thông tin hồ sơ”.
Trong bối cảnh đó, Cục Trẻ em và ChildFund Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam”, trong đó việc nâng cấp ứng dụng Tổng đài 111 và phần mềm quản lý trường hợp là một giải pháp quan trọng góp phần giải quyết các khó khăn hiện có của Tổng đài.
|
“Những hoạt động nâng cấp của dự án là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất và tính năng của hệ thống Tổng đài. Các thay đổi này đã tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và cải thiện quy trình làm việc của chúng tôi”, chị Thảo nói.
Không chỉ là một trợ thủ đắc lực của các cán bộ Tổng đài 111, ứng dụng Tổng đài Bảo vệ trẻ em còn là một người bạn thân thiết của trẻ em. “Khi sử dụng ứng dụng này, em cảm thấy như mình có thêm một người bạn bảo vệ em. Khi bắt gặp những vấn đề liên quan đến trẻ em như bắt nạt, bạo lực, chúng em có thể dùng ứng dụng để báo cáo. Ứng dụng này rất thân thiện và dễ sử dụng”, em Lưu, học sinh lớp 6 tại Hoà Bình chia sẻ.
Bạn của Lưu, em Hải cũng hồ hởi kể về “người bạn mới” này: “Khi sử dụng ứng dụng này em còn được tìm hiểu về những kỹ năng an toàn như phòng chống xâm hại, kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em và những địa chỉ tin cậy luôn sẵn sàng bảo vệ trẻ em”.
Không chỉ hướng tới đối tượng học sinh, ứng dụng Tổng đài 111 còn là công cụ hữu ích của cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ an toàn cho con trẻ. “Ứng dụng này rất hay! Ngoài việc báo cáo những quan ngại của mình về vấn đề trẻ em, tôi và các con còn có thêm kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em thông qua phần thư viện tài liệu”, anh Luân, một phụ huynh tại huyện Kim Bôi cho biết. |
Bên cạnh Ứng dụng Tổng đài 111, phần mềm quản lý trường hợp cũng đang dần thể hiện sức mạnh của công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em. Chị Phượng, Cán bộ Công tác Xã hội tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình chia sẻ: “Khi sử dụng phần mềm quản lý trường hợp, tôi cảm thấy rất tiện lợi và thiết thực. Thay vì gửi hồ sơ bản cứng như truyền thống, phần mềm cho phép người dùng xuất dữ liệu và lưu hồ sơ các trường hợp đã và đang hỗ trợ. Tôi có thể theo dõi tình trạng các ca và lập báo cáo một cách dễ dàng khi được yêu cầu”.
Trong giai đoạn tới, sau khi thử nghiệm Ứng dụng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và phần mềm quản lý trường hợp ở phạm vi rộng hơn ngoài vùng dự án của ChildFund, Cục Trẻ em sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trên cả nước áp dụng cơ chế báo cáo trực tuyến. Thay đổi mang tính bước ngoặt này sẽ hỗ trợ xóa bỏ những hạn chế và giúp các nhà lãnh đạo có cơ sở dữ liệu để đưa ra các quyết định chính sách đúng đắn, mang lại tương lai tươi sáng và an toàn hơn cho trẻ em.
Một trong các hội thảo “Tập huấn triển khai phần mềm quản lý trường hợp được nâng cấp” được tổ chức cho người làm công tác trẻ em và cán bộ đến từ phòng Lao động, Thương binh – Xã hội cấp xã, huyện, tỉnh