“Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong gần chục năm trở lại đây”, bà Đàm, một nông dân và thành viên hội phụ nữ xã Hà Vị, Bắc Kạn cho biết.
“Trước kia, chúng tôi thường không đủ ăn ít nhất ba, bốn tháng mỗi năm, giữa những lúc giáp hạt. Đồng ruộng cũng chả có đủ nước mà tưới tiêu, chăn nuôi thì đủ các loại bệnh tật. Nuôi con thời ấy cực kỳ khó khăn, ăn còn chẳng đủ, chả có tâm trí đâu mà chăm sóc con đúng cách hay không”.
“Con giờ mấy đứa cứ yên tâm để nhà ông bà nuôi mà đi làm ăn xa”, bà Đạm cho biết
Với ba dự án thực hiện trong 12 năm ở sáu xã tại huyện Bạch Thông, ChildFund đã hỗ trợ hàng ngàn hộ dân cải thiện phương thức canh tác nông nghiệp và tăng thu nhập.
“Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên tham gia thực hiện các dự án do ChildFund hỗ trợ. Người dân trong làng cùng chung tay xây dựng kênh mương. Có kênh mương là có nước tưới, trồng cấy được hẳn hai vụ mỗi năm trên những chân ruộng cạn, trước đây chỉ trồng được một vụ. Ngoài ra, các tổ nhóm tiết kiệm tín dụng được hỗ trợ bởi ChildFund đã giúp chúng tôi có chi phí trang trải cho việc chăn nuôi, mua giống gà và lợn. Các hộ nông dân cũng được tập huấn kỹ năng chăn nuôi an toàn và phòng tránh bệnh tật cho vật nuôi. Tất cả những việc đó đã giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân” bà Đàm cho biết thêm.
Vòng thứ tư vốn vay đã giúp hộ gia đình của bà Đạm mở rộng quy mô chăn nuôi
Ở thời điểm tháng 12 năm 2016, hộ bà Đàm đang vay vòng thứ tư từ quỹ tín dụng. Bà đã sử dụng nguồn vốn vay để mở rộng đàn lợn chăn nuôi. Bên cạnh việc trồng lúa, gia đình bà còn trồng ngô và rau, một phần làm thức ăn chăn nuôi, phần còn lại đem bán để kiếm thêm thu nhập. Kiến thức về sản xuất của nông hộ cũng được cập nhật thường xuyên.
“Năm 2008, chúng tôi tham gia vào một chương trình tuyên truyền về vệ sinh do ChildFund tổ chức. Lúc đấy chúng tôi học được cách thu gom phân và chất thải từ nuôi lợn vào các hố, ủ và sau này sử dụng như phân bón cho cây trồng. Phương pháp này rất hữu ích, tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường sống,” bà Đàm cho biết.
Thu gom và ủ phân giúp cải thiện chất lượng môi trường sống đồng thời tạo nguồn phân bón an toàn cho đồng ruộng
Những thay đổi đó đã mang lại những lợi ích tích cực cho trẻ em.
Bà Đàm cho hay “Trẻ con không phải hít thở không khí ô nhiễm, nồng nặc mùi xú uế. Cha mẹ chúng cũng yên tâm là con cái lớn lên sẽ khỏe mạnh.”
“Thực tế là ngay con tôi, chúng không phải tốn nhiều tiền và thời gian để chăm sóc mấy đứa cháu như tôi ngày xưa do con trẻ đã lớn lên rất khỏe mạnh. Con dâu với con trai tôi yên tâm giao cháu cho ông bà chăm sóc để đi làm các nghề khác, xa nhà, để kiếm thu nhập cao hơn.”
Trồng trọt không những đủ cung cấp lương thực cho người mà còn cho cả vật nuôi
Thiếu lương thực giờ đây đã là quá khứ. Thay vào đó, tiếp cận các công trình vệ sinh, tăng cường hiểu biết về sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ đồng nghĩa với việc những nông hộ như bà Đàm đang có điều kiện để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình họ cũng như cộng đồng và có cái nhìn tích cực vào tương lai.
Bà Đàm cho hay “Tất cả người dân trong làng đều hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Không chỉ là việc chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cấy hái, đôi khi cả tiền bạc nữa. Chúng tôi có các tổ nhóm ở mỗi thôn, mỗi thành viên trong nhóm đều nỗ lực canh tác để trả nợ đúng hạn. Làm thế thì hỗ trợ mới tới được những hộ cần.
“Chúng tôi cảm ơn ChildFund vì đa hỗ trợ bà con trong ngần ấy năm. Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ duy trì những sáng kiến trong canh tác mà ChildFund đã tập huấn. Cách thức tốt thì chúng tôi sẽ duy trì thôi.”