Cũng giống như nhiều trẻ em gái đồng chang lứa khác, Vân Anh thích chơi đồ chơi cùng bạn bè. Em cũng thích đọc sách truyện và muốn trở thành bác sĩ khi lớn lên.
Tuy vậy, Vân Anh lại gặp nhiều khó khăn mà những đứa trẻ ở tuổi ăn, tuổi lớn như vậy không nên phải đối diện. Sinh sống tại một xã vùng núi nghèo ở Bắc Kạn, cô bé dân tộc này còn phải chịu những sự phân biệt đối xử. Với sự chậm phát triển về nhận thức và khó khăn trong giao tiếp, việc trò chuyện với những người xung quanh hay học tập đều là một thử thách đối với em. Dẫu vậy, cô bé vẫn rất mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua những rào cản mình gặp phải.
Từ nhỏ, Vân Anh đã luôn ước mơ được đi học. Nhưng chỉ vài năm trước, giấc mơ ấy cũng rất xa vời do những thiếu thốn về điều kiện giáo dục cũng như việc giáo viên chưa có đủ kỹ năng và kiến thức phù hợp để hỗ trợ các trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó, định kiến của cộng đồng rằng người khuyết tật không thể đi học và sự nhận thức không đầy đủ về quyền của trẻ em cũng đã góp phần làm con đường đến trường của Vân Anh trắc trở hơn.
ChildFund đã và đang làm gì để giúp đỡ trẻ em khuyết tật
Năm 2019, ChildFund Việt Nam khởi động dự án giáo dục hòa nhập tập trung vào việc thay đổi thái độ cồng đồng và đảm bảo những em nhỏ như Vân Anh có thể tiếp cận giáo dục có chất lượng. Kết hợp cùng địa phương và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng, ChildFund đã trang bị cho giáo viên công cụ và kiến thức để chuẩn bị và truyền tải bài giảng đến với trẻ em khuyết tật.
Tại các cộng đồng ở hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, ChildFund cùng các đối tác của mình cũng triển khai những chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập.
Anh Thục, bố của Vân Anh, cùng đi học để giúp con tăng sự tự tin và hiểu được anh có thể giúp con học ở nhà như thế nào
Cơ hội mới mở ra tương lai tươi sáng hơn
Giờ đây, Vân Anh đang học lớp 3 và tiếp thu kiến thức rất tốt. Điều ấy có được một phần là nhờ cô giáo Thang đã có những kiến thức, kỹ năng, và công cụ để giúp học sinh của mình cải thiện giao tiếp, tiếng Việt và số học.
Cô Thang đã gắn bó với nghề hơn ba thập kỷ, nhưng khóa tập huấn của ChildFund lại mới là lần đầu cô được học cách giúp những trẻ em như Vân Anh có thể tiến xa hơn. “Tôi đã được biết thêm về các phương pháp giảng dạy cho các dạng khuyết tật khác nhau, biết cách tổ chức hoạt động và chuẩn bị bài giảng để thúc đẩy quá trình học tập của trẻ khuyết tật,” cô chia sẻ.
Sở thích đọc sách của Vân Anh được anh Thục, bố của cô bé khuyến khích nhiệt tình bằng cách đôi khi đến lớp cùng con, giúp con thấy được hỗ trợ và cảm thấy tự tin hơn. Cùng con đi học cũng giúp anh biết cách làm thế nào để cùng con học ở nhà.
“Tôi cũng từng lo rằng con gái không tiếp thu được, và tôi cũng lo cho tương lai của cháu,” anh Thục chia sẻ. “Nhờ những thay đổi tại trường học, hiện tại cháu đã có thể giao tiếp và tiếp thu tốt hơn”.
“Tôi rất vui trước những tiến bộ của cháu.”
Những công cụ mới và những buổi tập huấn do ChildFund và đối tác địa phương tổ chức đã và đang giúp các giáo viên như cô Thang hỗ trợ trẻ em khuyết tật trong học tập