Hợp tác và lồng ghép giữa các mảng chương trình cho những lĩnh vực quyền trẻ em chính mà chúng tôi ưu tiên, đồng thời hỗ trợ các kết nối mang tính tương hỗ giữa bảo vệ trẻ em, giáo dục và y tế.
Những người hùng thầm lặng vì sự an toàn của trẻ em
Sau một cuộc tranh cãi trên mạng, video ghi lại cảnh em A. (một học sinh ở phía Nam Việt Nam) bị đánh đã được đăng tải lên Facebook. Em A. bị thương và phải được đưa đến bệnh viện tỉnh. Sau sự việc, A. có các dấu hiệu rối loạn, lo âu và không muốn đến trường. Ngay khi nhận được thông tin, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã giao cho T. và Nhóm Chuyên gia hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp xâm hại trẻ em (CRRT) nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý khẩn cấp cho A.
T. là tư vấn viên của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 từ năm 2018 và là một thành viên tích cực của CRRT. Tại Tổng đài 111, 32 tư vấn viên được chia thành ba ca và làm việc suốt 24 tiếng mỗi ngày để xử lý các cuộc gọi không ngừng nghỉ. T. cùng các tư vấn viên tại Tổng đài đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em và gia đình về các vấn đề pháp lý, xã hội và tâm lý liên quan đến trẻ em.
Chia sẻ với chúng tôi, T. cho biết trước đây đã gặp phải khá nhiều trở ngại và thách thức trong công việc của mình. Do kỹ năng và kiến thức tư vấn còn hạn chế, không phải lúc nào T. và các đồng nghiệp cũng có thể nhận diện đúng các trường hợp xâm hại trẻ em để có thể cung cấp những hỗ trợ thích hợp. “Trước đây tôi đã từng nhận thông tin của một trẻ chia sẻ rằng trẻ cảm thấy xấu hổ sau khi bị xâm hại và ngần ngại không muốn đến trường”, T. nói. Lúc đó, T. chỉ chủ yếu đặt ra những câu hỏi đóng ‘Có/Không’ cho trẻ. Do chưa hiểu rõ mọi mặt của vấn đề, T. chỉ có thể tư vấn cho trẻ những giải pháp đã được định sẵn.
Tất cả điều này đã thay đổi kể từ khi T. tham gia vào khóa đào tạo do ChildFund hỗ trợ dành cho các tư vấn viên của Tổng đài.
T. viết báo cáo sau một cuộc gọi nhận được qua Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
ChildFund Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các tư vấn viên của Tổng đài 111, qua đó củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên toàn Việt Nam. T. chia sẻ: “Tham gia vào khóa đào tạo nâng cao năng lực của dự án đã trang bị cho tôi một lượng lớn kiến thức về tâm lý học, kỹ năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em và gia đình, cũng như kỹ năng làm việc nhóm. Những khóa đào tạo này đã giúp tôi hỗ trợ trẻ em thêm hiệu quả, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng. Nhờ những kiến thức và kỹ năng mới, tôi cũng đã giúp trẻ em nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng chống bạo lực và xâm hại, cũng như cung cấp cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ những kiến thức hữu ích về cách chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em.”
Trường hợp của A. chính là một trong những trường hợp được T. hỗ trợ sau khi tham gia vào khóa tâp huấn. Tại bệnh viện, T. và Nhóm CRRT đã hướng dẫn A. cách ổn định cảm xúc và giải tỏa căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn. Ngoài ra, nhóm còn liên hệ với gia đình của A. để lắng nghe những chia sẻ từ họ và cung cấp cho họ kiến thức về phòng chống bạo lực trẻ em và cách ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Em A. và gia đình cũng đã được nhóm cung cấp thông tin về các cá nhân và tổ chức có thể hỗ trợ thêm cho A.
Vì trường hợp của A. xuất phát từ mạng xã hội, T. đã phối hợp với trường của A. để tạo ra môi trường an toàn giúp A. học thêm về cách giữ an toàn trên môi trường mạng và thiết lập những mối quan hệ lành mạnh.
Sau một tháng với những hỗ trợ tâm lý (bao gồm 12 buổi trị liệu tâm lý miễn phí do Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cung cấp), sức khỏe của A. đã được cải thiện đáng kể. Giờ em ít lo lắng hơn khi nói chuyện với người khác, ngủ ngon hơn, không còn bị đau bụng và đã có thể quay trở lại trường học.
Chặng đường tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em tại Việt Nam tuy còn dài, nhưng việc nâng cao năng lực cho các tư vấn viên như T. là một bước tiến quan trọng để tạo ra một môi trường an toàn hơn cho trẻ em. Sự tận tâm của T. và vô số các cán bộ bảo vệ trẻ em khác trên cả nước đã và đang tạo ra một thế giới nơi những đứa trẻ như A. có thể nói: “Tôi an toàn”.
ChildFund bắt đầu làm việc tại Việt Nam năm 1995 và hợp tác với trẻ em, cộng đồng và các tổ chức địa phương để tạo ra sự thay đổi bền vững, thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và thúc đẩy quyền trẻ em