ChildFund cam kết hợp tác với các tổ chức địa phương trong cộng đồng nơi chúng tôi làm việc để đạt được các mục tiêu lâu dài và tiếp tục cải thiện cuộc sống của trẻ em và gia đình của các em. Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với các đối tác địa phương sẽ nâng cao năng lực của ChildFund trong việc thực hiện các quyền của trẻ em, đồng thời cải thiện hiệu quả và phạm vi tiếp cận của các chương trình mà chúng tôi hỗ trợ.
Qua chuỗi bài
Đối tác tiêu biểu, chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn những đối tác địa phương tuyệt vời của ChildFund, những con người đã và đang thay đổi cuộc sống của trẻ em trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Trong số này, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với bà
Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC).
Ι Thưa bà, tổ chức ACDC được thành lập khi nào và lý do thành lập tổ chức là gì?
Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tiền thân là
Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) là một tổ chức phi chính phủ địa phương ra đời năm 2011 làm việc vì và của người khuyết tật Việt Nam, hỗ trợ người khuyết tật và những nhóm yếu thế khác trong cộng đồng trên nhiều khía cạnh của cuộc sống.
ACDC cũng là một tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động của mọi đối tác cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, cải thiện chất lượng sống, hướng tới địa vị bình đẳng, khả năng sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, khả năng đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho xã hội của người khuyết tật theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong chặng đường đã qua, ACDC đã trở thành một trong những tổ chức tiên phong tại Việt Nam về vận động chính sách dành cho người khuyết tật và là thành viên tích cực trong mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật (OPD).
Ι Bà có thể chia sẻ về tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức?
Tầm nhìn: ACDC là tổ chức uy tín trong việc cải thiện chất lượng sống, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người khuyết tật và nhóm yếu thế.
Sứ mệnh của ACDC là cam kết đóng góp cho sự hòa nhập, bình đẳng và công bằng của người khuyết tật và nhóm yếu thế thông qua các hoạt động đảm bảo quyền và thúc đẩy các mô hình hỗ trợ.
Ι Trong những năm qua, ACDC đã triển khai những hoạt động nào?
Trong suốt 10 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng đã ghi nhận những thành công đáng tự hào với những việc làm thiết thực trong việc vận động chính sách, hỗ trợ xây dựng, phát triển mạng lưới của người khuyết tật, thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ và thay đổi nhận thức về người khuyết tật. Ngoài ra, trong những năm qua, ACDC cũng đã triển khai các hoạt động nổi bật khác như hỗ trợ người khuyết tật trong bối cảnh dịch Covid-19 và cứu trợ lương thực, đồ dùng cho những gia đình người khuyết tật chịu ảnh hưởng nặng sau bão lụt tại Miền Trung.
Ι Thưa bà, vậy ACDC đã đồng hành cùng ChildFund từ khi nào?
Mối quan hệ đối tác giữa 2 tổ chức được bắt đầu từ năm 2015 với hoạt động lồng ghép của dự án giáo dục tại Cao Bằng và Hòa Bình; dự án Y tế tại Bạch Thông, Bắc Kạn…. Từ những kết quả tích cực các hoạt động mang lại, ACDC và ChildFund đã hình thành mối quan hệ đối tác thân thiết. Những dự án hợp tác dài hơi hơn đã được triển khai, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, chính quyền địa phương và đặc biệt là người khuyết tật và gia đình của họ.
Ι Bà có thể chia sẻ về những dự định của tổ chức trong tương lai?
Trong hành trình tới, ACDC nói chung và tôi nói riêng vẫn luôn sẵn sàng đồng hành cùng người khuyết tật, đồng hành cùng các đơn vị xây dựng và thực thi chính sách cũng như tất cả các đối tác thực hiện vì quyền bình đẳng của người khuyết tật trong một xã hội không rào cản. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung hơn trong việc chọn lọc và đánh giá chất lượng các luật và chính sách, tình trạng thực thi các luật và chính sách, liên tục hỗ trợ phát triển các sáng kiến và mô hình dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật và những điều kiện cần thiết để các sáng kiến và mô hình này có thể hoạt động bền vững trong thực tế.
Bên cạnh đó, ACDC và tôi sẽ tiếp tục hành động vì quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; mở rộng hợp tác với các đối tác có cùng mục tiêu vì một xã hội không vật cản đối với người khuyết tật Việt Nam.
Ι Trong suốt quá trình công tác, đối với bà, kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất?
Kỷ niệm thì nhiều lắm, đặc biệt khi chúng tôi bắt đầu thực hiện dự án ở Cao Bằng và Bắc Kạn. Tôi vẫn nhớ từng khuôn mặt của 23 trẻ khuyết tật tại Quảng Uyên, Cao Bằng và hiểu từng tính cách, tình trạng của từng cháu.
Từ một nơi chúng tôi hay gọi là “vùng trắng” – không có bất kỳ hội, nhóm người khuyết tật nào, để rồi từng bước xây dựng lên một nhóm những người khuyết tật có đủ khả năng hòa nhập xã hội và tự hào nói rằng “chúng tôi là thành viên của nhóm tự lực Na Rì” đã là một bước tiến rất dài trong nhận thức của chính những người khuyết tật và cộng đồng tại nơi đây.
Nhóm tự lực của người khuyết tật tại Na Rì, Bắc Kạn ra mắt vào năm 2019 và đến 2021, Hội người khuyết tật của huyện ra đời, trở thành hội người khuyết tật đầu tiên của tỉnh vùng sâu vùng xa. Nơi đây, không chỉ chúng tôi là người đi “phá đá mở đường”, mà còn có chính những người khuyết tật, những người cán bộ, những người dân. Tôi thậm chí còn không thể biết hết tên những người đã cùng chúng tôi “phá đi” những “tảng đá” để tạo ra con đường cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.