QUYÊN GÓP

Câu chuyện: Trẻ em, Cộng đồng, Tương lai

Cùng học sinh Tân Lạc học về Giáo dục giới tính – Bước đệm quan trọng cho trẻ trong tuổi dậy thì

Giáo dục giới tính có thể không phải là môn học được nhiều học sinh yêu thích, thế nhưng nó lại là một trong những môn học quan trọng nhất đối với các em. Trong giai đoạn dậy thì, bộ não và cơ thể của chúng ta trải qua rất nhiều những thay đổi lớn. Mặc dù những thay đổi này có thể là khác nhau đối với mỗi người, song ai trong chúng ta cũng sẽ đều phải trải qua chúng. Để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và có một lối sống cùng các mối quan hệ lành mạnh, trẻ em trong độ tuổi dậy thì cần được trang bị những công cụ, thông tin và nhận được sự hỗ trợ đúng đắn.

Tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, dưới sự chỉ dẫn của các giáo viên tận tâm như cô Lụa, cô Sâm, các em học sinh khối lớp 6 đến lớp 9 đang được học cách quản lý cảm xúc của mình và trò chuyện một cách cởi mở hơn về sức khỏe tình dục và sinh sản.

Khi mới nghe đến dự án “Sức khỏe và hạnh phúc cho học sinh”, Đan, 14 tuổi, đã từng nghĩ: “Tham gia dự án vừa phải đi tập huấn lại vừa thêm bận mà chả giúp ích được gì”. Tuy nhiên, sau khi nghe cô Lụa giải thích về vai trò, trách nhiệm và lợi ích của việc tham gia, Đan đã quyết định trở thành thành viên của nhóm học sinh nòng cốt dự án cùng hai bạn Như và Bích. Kể từ khi tham gia, Đan đã học được thêm rất nhiều điều về bản thân và cách bảo vệ quyền lợi của mình (các chủ đề em được tập huấn bao gồm kỹ năng đàm phán và từ chối cũng như cách tìm kiếm sự giúp đỡ). Em chia sẻ: “Những bài giảng của cô giáo đã giúp chúng em học hỏi nhiều điều về những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, giúp chúng em biết cách tự chăm sóc và giữ an toàn cho bản thân. Em đã tìm hiểu và biết cách vệ sinh kinh nguyệt đúng cách. Chúng em cũng đã hiểu rõ hơn tác hại, hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm mà không có biện pháp an toàn. Chúng em đã xác định được các giá trị của mình, biết cách quản lý cảm xúc cũng như cách đối phó với căng thẳng và lo lắng”.

Đan (áo trắng) đang dẫn dắt cuộc thảo luận về những thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì.

Còn với Bích, trước đây em thường hay cáu giận vô cớ với bạn bè. Kể từ khi tham gia vào dự án, Bích đã biết cách tự kiểm soát căng thẳng và cơn cáu giận bằng cách chia sẻ với bạn bè, thầy cô, tập các bài tập hít thở hoặc hát những bài hát em yêu thích.

Bích chia sẻ với bạn bè về cách quản lý cảm xúc.

Trong suốt quá trình tập huấn, các hoạt động đã được tổ chức dưới dạng trò chơi để tạo ra một không gian an toàn, không phán xét giúp học sinh thoải mái và cởi mở hơn khi chia sẻ về kinh nghiệm và cảm xúc của mình. Đan cho biết: “Chúng em cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc khi được tham gia lớp tập huấn bởi chúng em được trải nghiệm, học hỏi và biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, lý thú. Em sẽ chia sẻ những gì được học để giúp các bạn khác hiểu rõ hơn về bản thân và những người xung quanh”.

Là một giáo viên lớp 9, cô Sâm đã chứng kiến rất nhiều trường hợp học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hành vi tình dục không an toàn. Cô cho biết xu hướng trẻ em quan hệ tình dục sớm đang là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các giáo viên trên địa bàn, khi ngày càng có nhiều học sinh bỏ học do mang thai sớm và ngoài ý muốn. Trong một vài trường hợp, các em học sinh nữ còn tìm cách phá thai tại các phòng khám không có giấy phép, gây nguy hiểm đến tính mạng của các em. Việc mang thai sớm không chỉ đe dọa sức khỏe thể chất và tinh thần của các em học sinh nữ mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc tương lai của các em.

Mặc dù nhận biết được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho các em học sinh trung học cơ sở, thế nhưng với cô Sâm và nhiều giáo viên trước đây, việc thu hút học sinh tích cực tham gia trong các buổi học giáo dục giới tính không phải là điều dễ dàng. Cô Sâm chia sẻ: “Trước đây, tôi đã tổ chức một số buổi học ngoại khóa với học sinh về kiến ​​thức sức khỏe sinh sản như kinh nguyệt, dấu hiệu mang thai, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục và các biện pháp tránh thai, nhưng chúng không hiệu quả lắm”, cô nói. “Tôi thường chia sẻ với học sinh về việc tránh thai bằng bao cao su hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp, thế nhưng tôi lại không cung cấp cho các em thông tin về liều lượng thuốc tránh thai. Do bản thân chưa bao giờ sử dụng thuốc trước đây, tôi không nghiên cứu về những tác dụng của thuốc và nội dung này cũng không nằm trong chương trình giảng dạy”.

Năm ngoái, cô Sâm đã tham gia vào khóa đào tạo do ChildFund hỗ trợ dành cho giáo viên trung học cơ sở về kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và cách truyền đạt nội dung này một cách hiệu quả cho học sinh. Với các kiến thức mới, đầy đủ cùng các tài liệu giảng dạy tương tác như video ngắn và trò chơi giáo dục, các tiết học của cô Sâm đã thành công trong việc thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, tăng cường sự tin tưởng giữa học sinh và giáo viên, giúp các em thêm cởi mở trong việc chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến của mình.

Cô Sâm trong một tiết học về sức khỏe sinh sản.

Là một học sinh trong lớp của cô Sâm, Sơn, 14 tuổi,  rất thích thú với phong cách giảng dạy và các kiến thức mới: “Cô Sâm sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, nhưng trong các bài học về sức khỏe sinh sản, cô sử dụng video và hình ảnh để giải thích cho chúng em, giúp chúng em vừa dễ hiểu vừa đỡ ngại hơn là cô hỏi chúng em trả lời trực tiếp”.

Từ những kiến thức đã được học, cô Sâm mong muốn có thể tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo để giúp các em học sinh trải qua tuổi dậy thì một cách an toàn và lành mạnh:  “Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các kiến thức mới vào các bài giảng và hoạt động trên lớp trong năm học tiếp theo. Đồng thời, tôi cũng sẽ tăng cường áp dụng các hình thức truyền đạt có sự tham gia như thảo luận nhóm, tìm ô chữ, phân tích tình huống… để học sinh cảm thấy bớt e ngại và tham gia tích cực hơn”.

Câu chuyện từ các chương trình của chúng tôi

Những người hùng thầm lặng vì sự an toàn của trẻ em

Những người hùng thầm lặng vì sự an toàn của trẻ em

Sau một cuộc tranh cãi trên mạng, video ghi lại cảnh em A. (một học sinh ở phía Nam Việt…
Những người hùng thầm lặng vì sự an toàn của trẻ em
Cùng học sinh Tân Lạc học về Giáo dục giới tính – Bước đệm quan trọng cho trẻ trong tuổi dậy thì

Cùng học sinh Tân Lạc học về Giáo dục giới tính – Bước đệm quan trọng cho trẻ trong tuổi dậy thì

Giáo dục giới tính có thể không phải là môn học được nhiều học sinh yêu thích, thế nhưng nó…
Cùng học sinh Tân Lạc học về Giáo dục giới tính – Bước đệm quan trọng cho trẻ trong tuổi dậy thì
Hành trình tự lập của Hiền tại trường bán trú

Hành trình tự lập của Hiền tại trường bán trú

Hiền là một cô bé người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc…
Hành trình tự lập của Hiền tại trường bán trú
Ước mơ của Thanh

Ước mơ của Thanh

“Từ khi còn bé em chẳng giám đòi hỏi nhiều do bố mẹ em làm việc quá vất vả. Em…
Ước mơ của Thanh
Gặp gỡ Ngọc, người nữ khuyết tật tự dệt nên ước mơ tại Cao Bằng

Gặp gỡ Ngọc, người nữ khuyết tật tự dệt nên ước mơ tại Cao Bằng

Khi mới lên 2 tuổi, Ngọc bị ốm và sốt cao, để lại di chứng là những cơn rung giật…
Gặp gỡ Ngọc, người nữ khuyết tật tự dệt nên ước mơ tại Cao Bằng
Cùng trẻ vững bước vào tiểu học

Cùng trẻ vững bước vào tiểu học

Với nhiều cha mẹ, nhà trường và nhất là các em học sinh, giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non…
Cùng trẻ vững bước vào tiểu học