Tại trường Tiểu học và THCS xã Ngọc Mỹ, có lẽ ai cũng biết tới cô giáo trẻ Cao Lệ Thu – người giáo viên yêu nghề, mến trẻ. Cũng như các thầy cô giáo khác tại vùng cao, cô vào nghề với nhiệt huyết và khát khao được chắp cánh tương lai cho trẻ em vùng cao qua từng bài giảng.
Thế nhưng ngay từ những bài giảng đầu tiên, cô Thu đã gặp không ít thử thách bởi 98% học sinh trong lớp của cô là người dân tộc Mường và không sử dụng thành thạo tiếng Kinh – ngôn ngữ được sử dụng trong tất cả các giáo trình trên lớp. Hơn nữa, thế giới của các em chỉ vỏn vẹn quẩn quanh trong ngôi làng nhỏ, giữa những ngọn núi, đồi, cây xanh. Vì vậy, nhiều từ trong sách giáo khoa đối với các em còn lạ lẫm, khó hiểu.
Thấy các con học hành vất vả, cô nhận ra cách dạy truyền thống có thể không hiệu quả đối với trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số tại miền núi cao. Cô Thu đã cố gắng tìm nhiều cách để giúp học sinh của mình tiến bộ, tuy nhiên, nhiều em vẫn không hiểu bài giảng, thường xuyên mắc lỗi khi đọc và ngại đọc trước lớp.
“Đúng lúc em đang chưa biết cải thiện thế nào thì tổ chức ChildFund triển khai dự án “Học tập để phát triển” với mục đích góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số của 7 xã dự án thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Dự án đã đến đúng thời điểm, đúng với nhu cầu cải thiện chất lượng giáo dục mà giáo viên chúng em đang mong mỏi”, cô Thu chia sẻ.
Cô bắt đầu tham gia khóa tập huấn về phương pháp dạy đọc hiểu lấy học sinh làm trung tâm vào tháng 3 năm 2018. Vượt qua những lo lắng ban đầu, cô Thu hăng hái tham gia vào các hoạt động và học được những phương pháp dạy đọc mới như đọc cá nhân, đọc từ khó, câu khó, đọc nhóm, giải nghĩa, tìm hiểu bài, bài tập trực quan….
Sau khi kết thúc khóa tập huấn, cô Thu hào hứng chia sẻ: “Với cách học như vậy, học sinh được đọc nhiều, hiểu bài và chủ động hơn trong mọi hoạt động học tập. Giáo viên cũng được cung cấp giáo cụ trực quan để giờ học thú vị hơn và bộ công cụ đánh giá chất lượng đọc hiểu để đánh giá chất lượng học sinh theo từng chủ điểm chính xác hơn. Em thực sự tâm đắc và hứng thú với phương pháp dạy mới này!”.
Cô Thu hỗ trợ các em đọc hiểu tại lớp 2 – Trường Tiểu học và THCS xã Ngọc Mỹ (Ảnh do cô Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường, chụp ngày 15/11/2019)
Ngoài việc áp dụng dạy đọc theo phương pháp mà dự án tập huấn, cô Thu còn dành thời gian sau mỗi giờ học để hỗ trợ thêm cho các em học sinh còn yếu kém. Chỉ sau một học kỳ, học sinh trong lớp của cô đã tiến bộ rõ rệt, các bài đọc với các em cũng trở nên hứng thú, nhẹ nhàng hơn, giúp các em hiểu nghĩa và nắm chắc được nội dung bài. Với những thành tích đáng khích lệ này, cô Thu được nhà trường tin tưởng giao phó xây dựng chương trình tập huấn cho các giáo viên khác tại trường Tiểu học và THCS Trung Hòa.
Không dừng lại ở đó, cô Thu còn đến các trường khác thuộc xã Trung Hòa, Quyết Chiến, Ngổ Luông, Ngòi Hoa cách nhà hơn 30km để hỗ trợ triển khai phương pháp dạy đọc hiểu mới. Thầy Hải, giáo viên trường Tiểu học và THCS Trung Hòa chia sẻ: “Cô Thu đã tham dự tiết dạy của em và hướng dẫn em cùng các thầy cô trong trường thiết kế câu hỏi cho tiết dạy, em rất hài lòng và biết ơn cô Thu”.
Cô Thu đón nhận danh hiệu giải nhất cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm học 2020-2021 (Ảnh do Bùi Thị Mai – Chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, chụp ngày 9/11/2020)
Với những kiến thức và kinh nghiệm đúc kết được sau khi tham gia dự án “Học để phát triển”, cô Thu đã mạnh dạn viết sáng kiến kinh nghiệm: “Một số biện pháp giúp học sinh đọc tốt hơn trong tiết đọc hiểu”. Nhờ những thành công đạt được tại khắp các trường Tiểu học & THCS xã Ngọc Mỹ nhờ công tác triển khai rộng rãi phương pháp dạy mới, cô Thu đã được trao Giải nhất tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm học 2020-2021.
Từ một cô giáo chập chững mới bước vào nghề, ít kinh nghiệm, còn ngại ngần, lúng túng, sau 3 năm tham gia dự án “Học để phát triển” của ChildFund Việt Nam, cô Thu nay đã tự tin đứng lớp và thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học mới, tạo được cảm hứng học tập cho học sinh cũng như giúp đỡ nhiều đồng nghiệp cùng tiến bộ.