Tại xã Cư Lễ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, Lan cùng những người làm công tác bảo vệ trẻ em khác tại địa phương đã và đang tận tụy đóng góp mỗi ngày để giúp trẻ em và thanh thiếu niên lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh.
Với kinh nghiệm 10 năm là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ và là Cán bộ Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Lan rất vui khi được chọn tham gia dự án ‘Tăng cường Hiệu quả Hệ thống Bảo vệ Trẻ em’ của ChildFund Việt Nam vào năm 2019.
Lan cũng là một trong những thành viên nòng cốt và có nhiều đóng góp cho Tổ thường trực Bảo vệ trẻ em (BVTE) của xã trong việc hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu đảm nhiệm công tác BVTE, Lan nói: “Trước khi tham gia Dự án, tôi có rất ít kiến thức và kỹ năng về BVTE. Công việc trước đây chủ yếu liên quan về công tác tuyên truyền và quản lý dân số. Tuy nhiên, để nói về chuyên môn liên quan đến BVTE, xuất phát điểm của tôi gần như bằng không. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, phối hợp với những người nào, kỹ năng làm việc với trẻ ra sao. Sau khi được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực, tôi đã có thêm kiến thức về quản lý trường hợp, kiến thức về xâm hại và bảo vệ trẻ em, được trang bị thêm kiến thức về tâm sinh lý của trẻ. Tất cả những gì mà tôi được học được tập huấn đã xây dựng được tôi ngày hôm nay: Tự tin và trách nhiệm.”
Từ khi nhóm Thường trực BVTE cấp xã vận hành và đi vào hoạt động, Lan đã áp dụng các kiến thức được học điều phối các cuộc họp giao ban hàng tháng. Trong các cuộc họp, số liệu về trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), có nguy cơ rơi vào HCĐB được rà soát và cập nhập thường xuyên thông qua báo cáo của cộng tác viên thôn bản và đầu mối BVTE trong trường học, giúp Lan nắm bắt tình hình trẻ và quản lý ca kịp thời.
Sau khi được tham gia các khóa tập huấn về phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em, Lan đã được trang bị thêm kiến thức và kỹ năng áp dụng vào cuộc sống. Tháng 3 năm 2020, chị vô tình đọc được một bài viết trên mạng xã hội về một trường hợp bạo lực trẻ em.
Lan đã liên hệ với mẹ của trẻ và được biết trẻ ở nhà với ông do cha mẹ đi làm xa và thường xuyên bị ông đánh. Ngay khi có các thông tin về trẻ và hoàn cảnh của trẻ, Lan xác định đây là trường hợp bạo lực trẻ em. Sau cuộc họp với các thành viên trong nhóm Thường trực BVTE, Lan đã cùng Chủ tịch Hội Phụ nữ và công chức Văn hóa Xã hội đến nhà của trẻ để thăm hỏi và trao đổi với gia đình, phân tích sự việc và pháp luật với người ông. Đồng thời, Lan cũng liên hệ với mẹ trẻ để gỡ bài đăng trên mạng xuống nhằm tránh lan truyền những hình ảnh nhạy cảm và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nhờ được can thiệp kịp thời, trẻ giờ đã được sống trong môi trường an toàn hơn với sự hỗ trợ từ Lan và các cộng tác viên thôn bản.
Lan còn tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến chính sách về bảo vệ trẻ em cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa của xã. “Mới đầu khi tổ chức các chương trình tập huấn/truyền thông, tôi chưa tự tin về kiến thức và chuyên môn mặc dù đã được tham gia các khóa tập huấn. Lúc đó, tôi khá lo lắng và sợ mình bị nói sai, nói nhầm. Trước đây khi tổ chức các buổi tuyên truyền chỉ ở hình thức người nói – người nghe. Giờ đây tôi đã biết cách tương tác và trình bày linh hoạt, thu hút sự tham gia nhiều hơn”.
Lan trong chuyến thăm và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương
Nhờ sự tận tâm của Lan và đội ngũ những người làm công tác BVTE, nhận thức của người dân về công tác BVTE đã tăng lên rõ rệt. Trong 2 năm trở lại đây, xã Cư Lễ không ghi nhận trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo hành nào.