CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

ChildFunders cùng ôn lại giá trị “Thay đổi” và hưởng ứng phong trào “Hạn chế rác thải nhựa”

Xem chi tiết

TIN TIN TICK & TALK

Tin tức nổi bật trong tháng 4

Xem chi tiết

GÓC VĂN HÓA

Nghề làm giấy bản truyền thống tại Cao Bằng

Xem chi tiết

BẠN CÓ BIẾT?

Những mẹo vặt chống say tàu xe

Xem chi tiết

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

CHILDFUNDERS CÙNG ÔN LẠI GIÁ TRỊ "THAY ĐỔI"
VÀ HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO "HẠN CHẾ RÁC THẢI NHỰA"

🎉Trong tháng 4, ChildFunders tại cả bốn văn phòng đã cùng tham gia những buổi sinh hoạt vui vẻ và ý nghĩa để nhìn lại quá trình thực hiện giá trị “Thay đổi” của bản thân và hưởng ứng phong trào “Hạn chế rác thải nhựa” của toàn tổ chức. Ngoài việc tham gia những thảo luận sôi nổi, xem những video bổ ích, các ChildFunders còn được thử sức trong những trò chơi sáng tạo và chia sẻ những ý tưởng hay thông qua Padlet.

Hãy cùng ghé thăm các văn phòng qua một số hình ảnh phía dưới và xem những hoạt động này đã diễn ra như thế nào nhé!

TIN TIN TICK & TALK

434286572_807937324696365_2086744156596795277_n

Ngày hội học sinh tiểu học tại Hòa Bình

Tin tức: Đinh Thị Thu Hà – Cán bộ Dự án

Trong thời gian qua, trường TH&THCS Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức sự kiện Ngày hội học sinh tiểu học với sự tham gia nhiệt tình của 92 cán bộ quản lý…

Trong thời gian qua, trường TH&THCS Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức sự kiện Ngày hội học sinh tiểu học với sự tham gia nhiệt tình của 92 cán bộ quản lý, giáo viên và chính quyền địa phương, 285 cha mẹ/người chăm sóc và 1.478 trẻ em, trong đó có 53 trẻ em khuyết tật.
 
Với hỗ trợ từ dự án “Sẵn sàng vào tiểu học” và “Một hệ thống bảo vệ trẻ em hiệu quả”, sự kiện đã mang đến một sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết cho các em học sinh. Các em được thỏa sức thể hiện tài năng, sự sáng tạo, cũng như được giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống thông qua phần thi viết chữ sáng tạo, các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao, gian hàng hội chợ…. Hoạt động này cũng đã góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp của gia đình và xã hội trong quá trình giáo dục cho học sinh.
434656570_807962628027168_1344942398424849742_n

ChildFund Việt Nam hỗ trợ VACR tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em

Tin tức: Đỗ Dương Hiển, Chuyên gia An toàn trên mạng

Vừa qua tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em…

Vừa qua tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) với sự hỗ trợ của ChildFund Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Ban Thư ký Quỹ JIFF đã tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em về vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Đây là cơ hội để các tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, cập nhật thông tin thực hiện quyền trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và quy định pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em.
 
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 100 đại biểu đại diện cơ quan Nhà nước như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoạt động về trẻ em, báo chí truyền thông và cơ sở Hội thành viên của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam từ 27 tỉnh/thành phố.
 
Tại sự kiện, ông Đỗ Dương Hiển, Chuyên gia an toàn trên mạng của ChildFund Việt Nam cũng đã chia sẻ về mô hình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Swipe Safe. Các ưu tiên tiếp theo của ChildFund là ứng dụng công nghệ trong bảo vệ trẻ em, bao gồm ứng dụng Tổng đài 111 thuộc Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em, phần mềm quản lý trường hợp dành cho cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp và xây dựng trang tin an toàn trên mạng dành cho trẻ em.
435073079_812786830878081_6466182156028580598_n

Tập huấn về vận hành nền tảng học tập trực tuyến Edu contents và Elearning do VNPT cung cấp tại Bắc Kạn

Tin tức: Hoàng Ngọc Huấn – Trợ lý Dự án

Thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực số cho học sinh dân tộc thiểu số”, khóa tập huấn về vận hành nền tảng học tập trực tuyến Edu contents và Elearning do VNPT cung cấp đã diễn ra trong tháng 4 với sự tham gia của hơn 40 giáo viên và cán bộ quản lý trường học.
 
Khóa tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên trong việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
 
Ông Đàm Văn Tuyến – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Cốc Đán chia sẻ: “Việc chuyển đổi số trong công tác dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Với sự hỗ trợ của dự án, chúng tôi tự tin trong thời gian tới sẽ có những thay đổi tích cực trong việc áp dụng các ứng dụng, nền tảng trong công tác quản lý và dạy học để đem lại kết quả học tập tốt cho học sinh.”
438216488_820204523469645_4651852640585689399_n

Sự kiện chào mừng ngày Người Khuyết Tật Việt Nam tại Cao Bằng 

Tin tức: Lý Thị Phương – Cán bộ Dự án

“Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập” – thông điệp này đã được lan tỏa mạnh mẽ…

“Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập” – thông điệp này đã được lan tỏa mạnh mẽ trong sự kiện được UBND huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng phối hợp cùng ChildFund Việt Nam tổ chức nhân ngày Người Khuyết Tật Việt Nam 18/4 vừa qua tại xã Ngọc Động.

Thu hút gần 200 người tham dự, sự kiện là cơ hội để người khuyết tật trên địa bàn chia sẻ những câu chuyện vượt qua khó khăn của mình và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
 
Sự kiện tại Ngọc Động là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các chương trình kỷ niệm Ngày Người Khuyết Tật Việt Nam tại huyện Quảng Hòa. Các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền và khả năng của người khuyết tật, thúc đẩy việc người khuyết tật tiếp cận các chính sách, chương trình phúc lợi xã hội, tham gia và hòa nhập cộng đồng.
438204867_821464660010298_7286049153528167452_n

Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn từng bước áp dụng nội dung an toàn trên mạng trong giáo dục

Tin tức: Nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ Dự án

Buổi tọa đàm về việc triển khai nội dung An toàn trên mạng trong trường học đã diễn ra ngày 15/4/2024 …

Buổi tọa đàm về việc triển khai nội dung An toàn trên mạng trong trường học đã diễn ra ngày 15/4/2024 tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình với sự tham gia của 72 đại biểu gồm lãnh đạo các Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), Phòng GD&ĐT và đại diện các trường học thuộc 3 tỉnh (Bắc Kạn, Cao Bằng và Hòa Bình) tham gia dự án “An toàn trên mạng – giai đoạn 2”.
 
Nhiều mô hình thành công trong quá trình triển khai dự án tại các địa phương đã được chia sẻ và ghi nhận tại sự kiện như: mô hình phòng tin học xanh, bản hướng dẫn lồng ghép chủ đề An toàn trên mạng vào các chủ đề trong bộ môn tin học và giáo dục công dân… Cho đến nay, đã có 14.000 học sinh và 800 giáo viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về an toàn trên môi trường mạng thông qua các lớp tập huấn.
 
Các đại biểu tham dự đều bày tỏ sự hài lòng với hiệu quả mà mô hình dự án mang lại cho các trường học và mong muốn được duy trì các hoạt động giúp phụ huynh và giáo viên đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng.
438224608_822071133282984_869473855852047256_n

Học sinh trường THCS Sông Đà tham gia lên ý tưởng và tổ chức buổi truyền thông về an toàn trên mạng

Tin tức: Nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ Dự án

Nối tiếp chuỗi hoạt động chia sẻ kinh nghiệm…

Nối tiếp chuỗi hoạt động chia sẻ kinh nghiệm triển khai nội dung An toàn trên mạng trong trường học thuộc dự án An toàn trên mạng giai đoạn 2, trong ngày 16/4/2024, trường THCS Sông Đà tại Hòa Bình đã tổ chức buổi truyền thông về An toàn trên mạng với quy mô toàn trường.
 
Chương trình được giáo viên và nhóm trẻ nòng cốt lên ý tưởng triển khai với các hoạt động đa dạng như tiểu phẩm, thuyết trình, tranh biện và vẽ tranh nhằm lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp như: phòng chống bắt nạt trên mạng, chia sẻ thông tin tích cực và tôn trọng người khác trên mạng.
 
Trường THCS Sông Đà là một trong những trường đầu tiên tham gia dự án và đã có nhiều hoạt động truyền thông nổi bật được lên kế hoạch và tổ chức bởi chính các em học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường.

GÓC VĂN HÓA

NGHỀ LÀM GIẤY BẢN TRUYỀN THỐNG TẠI CAO BẰNG

 

Nghề làm giấy bản của người Nùng An tại Cao Bằng đã có từ lâu đời, cho đến nay vẫn được lưu truyền tại các xóm Lũng Ỏ, Dìa Trên. Giấy bản có mùi thơm dịu nhẹ và thường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như ghi chép gia phả, thơ ca, làm vàng mã, dán bàn thờ và trang trí nhà cửa.

Nguyên liệu chính để làm giấy bản là vỏ cây giấy dó (tiếng Nùng gọi là cây mạy sla). Vỏ cây sau khi lấy về sẽ phải tước vỏ đen, đây là công đoạn mất nhiều công sức và thời gian nhất, bởi phần vỏ đen được tước càng sạch thì giấy làm ra sẽ càng trắng. Phần vỏ tiếp theo sẽ được đem ngâm với vôi trong khoảng 2 đến 3 ngày, sau đó được luộc khoảng 3 tiếng và ngâm vào nước lã trong 2 ngày.

Sau các công đoạn đó, phần vỏ sẽ được đập thật nát xuống bể múc, trở thành loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Cuối cùng, người ta sẽ trải đều nước giấy trên khuôn, đem ép để vắt nước và phơi khô để nhận được giấy thành phẩm.

Bạn đã có cơ hội được sử dụng loại giấy đặc biệt này chưa? Hãy chia sẻ trải nghiệm của mình với các ChildFunders khác nhé!

BẠN CÓ BIẾT?

Bạn có biết vì sao chúng ta lại say tàu xe không?

Say xe xảy ra do những chuyển động mà mắt chúng ta nhìn thấy khi di chuyển bằng tàu, xe khác với những gì mà tai trong của chúng ta cảm nhận được. Khi não bộ không xử lý được hết những tín hiệu mâu thuẫn này, chúng ta sẽ cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

Là những người thường xuyên phải di chuyển, các ChildFunders đã tự trang bị cho mình những mẹo hữu ích để phòng chống việc say tàu xe chưa? Cùng tham khảo và áp dụng những cách sau bạn nhé!

Hãy chọn chỗ ngồi ở phía trên đầu tàu, xe để tránh bị rung lắc mạnh trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, nếu có thể, bạn hãy chọn ghế ngồi gần cửa sổ để có thể phóng mắt nhìn ra xa, giúp tạm quên đi cảm giác mệt mỏi.

Khi đọc sách hoặc nhìn vào màn hình, mắt chúng ta sẽ cố định vào một điểm. Thế nhưng khi chúng ta di chuyển, hệ thống dây thần kinh ở tai trong của chúng ta lại đón nhận chuyển động. Điều này sẽ truyền hai tín hiệu trái ngược đến não và khiến chúng ta nôn nao.

Gừng là một phương pháp điều trị buồn nôn hiệu quả, an toàn. Bạn có thể ngâm vài lát gừng tươi với nước nóng để nhâm nhi như trà, hoặc sử dụng tinh dầu gừng để hít trong quá trình di chuyển bằng tàu xe.

Kẹo cao su cũng là một biện pháp khá thông dụng, hiệu quả để chống say tàu xe vì cử động nhai sẽ giúp giảm luồng thông tin xung đột được gửi tới não bộ. Ngoài kẹo cao su, chúng ta cũng có thể chọn các món ăn nhẹ yêu thích khác.

Bạn không nên ăn quá no hoặc để bụng đói khi lên tàu xe. Ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, ợ hơi, còn đói bụng sẽ làm cho dạ dày cồn cào, dễ sinh ra tình trạng buồn nôn khi di chuyển. Ngoài ra, hãy tránh ăn những thức ăn chua cay, nhiều dầu mỡ trước khi khởi hành bạn nhé.

Đồng Hành

Tháng 4/2024

CHILDFUNDERS – NHỊP ĐẬP CÙNG TRẺ THƠ

© Bản quyền thuộc về ChildFund Việt Nam