CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

Những khoảnh khắc ấm áp và ý nghĩa tại các văn phòng trong tháng 3

Xem chi tiết

TIN TIN TICK & TALK

Tin tức nổi bật trong tháng 3

Xem chi tiết

GÓC VĂN HÓA

Nét đặc sắc trong giai điệu Hát Then Đàn Tính

Xem chi tiết

BẠN CÓ BIẾT?

Ảnh hưởng của màu sắc đến tâm trạng và năng suất làm việc

Xem chi tiết

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ẤM ÁP VÀ Ý NGHĨA
TẠI CÁC VĂN PHÒNG TRONG THÁNG 3

🎉Ngoài các hoạt động ý nghĩa mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trong tháng vừa qua, các văn phòng ChildFund tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình và Hà Nội còn tổ chức những buổi tiệc ấm áp và tràn đầy tiếng cười dành cho anh chị em nhân viên có sinh nhật trong tháng/quý 🎂 

Trong bản tin số này, chúng ta hãy cùng quay ngược thời gian để ghé thăm lại những sự kiện đặc biệt đó nhé!

TIN TIN TICK & TALK

430892576_790651816424916_1157249171558519827_n

Dự án “Tăng cường năng lực số cho học sinh dân tộc thiểu số” chính thức khởi động tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Tin tức: Nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ Dự án

Đây là dự án nhằm hỗ trợ địa phương tạo môi trường…

Đây là dự án nhằm hỗ trợ địa phương tạo môi trường học tập số thuận tiện, an toàn và công bằng cho trẻ em dễ bị tổn thương, từ đó các em có thể phát triển những năng lực cần thiết cho thế kỷ 21. Được tài trợ bởi ChildFund Hàn Quốc thông qua ChildFund Việt Nam, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.
 
Tại hội nghị triển khai dự án được tổ chức vào ngày 1/3 vừa qua, các thông tin tổng quan về dự án, cũng như nội dung chương trình và cách thức phối hợp đã được Ban quản lý các dự án phi chính phủ huyện Tân Lạc và ChildFund Việt Nam thảo luận cùng các đối tác và người tham gia dự án, bao gồm đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình và Bắc Kạn, Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, Thạch An, Ngân Sơn, đại diện VNPT Hòa Bình và đại diện các trường thuộc địa bàn dự án.
 
Với sự tham gia và cam kết đồng hành của các bên liên quan, dự án “Tăng cường năng lực số cho học sinh dân tộc thiểu số” hứa hẹn sẽ được triển khai hiệu quả và thành công, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.
 
Đọc thêm về ý nghĩa của dự án và phát biểu từ các đối tác trong sự kiện tại đây
430986970_791860282970736_4640627194234648813_n

ChildFund tiếp tục hỗ trợ Hội Người khuyết tật Na Rì nâng cao năng lực giám sát, đánh giá và học hỏi

Tin tức: Vũ Minh Hoàng – Cán bộ Giám sát, Đánh giá và Học hỏi

Trong tháng 3/2024, ChildFund Việt Nam đã phối hợp với Hội Người khuyết tật Na Rì thực hiện trao đổi và hướng dẫn về các nội dung giám sát, đánh giá và học hỏi cho Ban chấp hành Hội và các đại diện đầu mối của Hội tại 17 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
 
Ngoài phương pháp giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội, ChildFund cũng đã cùng các thành viên trao đổi về cách lập kế hoạch hoạt động Hội xoay quanh hoạt động khám sức khỏe cho người khuyết tật, cách xây dựng chương trình hòa nhập cho trẻ khuyết tật và cách nâng cao hiệu quả sinh kế cho người khuyết tật tại địa bàn.
 
ChildFund Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội Người khuyết tật Na Rì nhằm chia sẻ năng lực quản lý và vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ em và người khuyết tật.
432750009_796397665850331_1797175868238074054_n

Tập huấn về vận hành phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho quản lý trường học và giáo viên Bắc Kạn

Tin tức: Lý Thị Phương – Cán bộ Dự án

Trong hai ngày 12 và 13/3, hai lớp tập huấn…

Trong hai ngày 12 và 13/3, hai lớp tập huấn về vận hành phòng hỗ trợ giáo dục hoà nhập đã được tổ chức cho 58 quản lý trường học và giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại huyện Quảng Hoà và Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
 
Sau khi tham gia, học viên đã được củng cố lại kiến thức, hiểu rõ cách thiết lập lại các góc học tập trong phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập để tạo hứng thú cho trẻ. Sự tham gia của trẻ cũng được đặc biệt chú trọng trong tất cả các tiết can thiệp hoà nhập, can thiệp nhóm hay cá nhân cho trẻ khuyết tật thông qua việc cụ thể hoá những sản phẩm trẻ yêu thích.
 
Cô Hà Thị Hồng, Hiệu phó trường mầm non Đống Đa chia sẻ: “Với cách học này, trẻ sẽ hào hứng hơn, biết đc tiến trình nội dung bài học. Ngoài ra, giáo viên còn có bảng quy đổi phần thưởng. Nếu học sinh chấp hành tốt nội quy lớp học, trả lời đúng hoặc thực hiện được yêu cầu của bài tập sẽ đc tặng thưởng một sao hay một mặt cười”.
 
Chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chị Nông Thị Bích Ngọc cũng cho biết: “Từ kết quả tập huấn này, giáo viên sẽ thực hiện tốt công việc của mình, góp phần vào sự thành công của giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục.”
432672090_799506005539497_7587392766717057723_n

ChildFund Việt Nam tham gia Hội thảo “Hướng tới nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục” 

Tin tức: Tôn Thị Tâm – Chuyên gia Giáo dục

Trong ngày 14/3 tại Hà Nội, ChildFund Vietnam đã tham gia và có bài trình bày tại Hội thảo “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
 
Đại biểu tham dự là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục và các bên liên quan đến từ Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, và các tổ chức của/vì người khuyết tật. Ước tính có khoảng 80 đại biểu tham gia trực tiếp và 300 đại biểu tham gia trực tuyến.
 
Chuyên gia giáo dục của ChildFund Việt Nam – chị Tôn Tâm đã trình bày tham luận: “Hỗ trợ tiếp cận giáo dục hoà nhập có chất lượng cho trẻ khuyết tật tại địa bàn dân tộc thiểu số – Kinh nghiệm thực tiễn từ dự án của ChildFund”. Bài trình bày giới thiệu về dự án giáo dục hòa nhập “Quyền học tập của em” (VN04-035 và VN04-037) mà ChildFund đã và đang thực hiện tại Cao Bằng và Bắc Kạn, trong đó nhấn mạnh đến các can thiệp trọng tâm, kết quả, các thách thức và các giải pháp để hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục có chất lượng ở các địa bàn khó khăn.
432777543_800957712060993_7277601827967464592_n

Bảy lớp tập huấn cho các “Biệt đội SEL” tại Hòa Bình

Tin tức: Ứng Thị Hiền – Cán bộ Dự án

Trong hai ngày 15 và 17/3, bảy lớp tập huấn về thúc đẩy học tập cảm xúc xã hội (SEL) thuộc dự án “Sức khoẻ và hạnh phúc cho học sinh”…

Trong hai ngày 15 và 17/3, bảy lớp tập huấn về thúc đẩy học tập cảm xúc xã hội (SEL) thuộc dự án “Sức khoẻ và hạnh phúc cho học sinh” đã được tổ chức cho các “Biệt đội SEL”, bao gồm học sinh của bảy trường trung học cơ sở tại tỉnh Hoà Bình.
 
Tham gia lớp tập huấn, các “Biệt đội SEL” đã tự thảo luận và lựa chọn các vấn đề cần giải quyết liên quan đến các khía cạnh về sức khỏe, sức khỏe tâm thần, cảm xúc… Từ các vấn đề đã chọn, “Biệt đội SEL” sẽ lên ý tưởng, lập kế hoạch thực hiện dự án SEL với thời lượng khoảng từ 3 đến 5 tuần. Sau hoạt động này, các em sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để thực hiện kế hoạch dự án dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo nhóm và sự giám sát, hỗ trợ của giáo viên.
 
Quá trình thực hiện dự án cũng chính là quá trình để các em thực hành các kiến thức SEL. Định kỳ, “Biệt đội SEL” sẽ họp và tổ chức buổi thu hoạch dự án để tổng kết bài học SEL và chia sẻ về những kiến thức SEL mình học được.
434653908_805428451613919_3078313178352280499_n

Cuộc họp về lập kế hoạch phối hợp giữa các bên liên quan hỗ trợ trẻ khuyết tật và người khuyết tật tại Cao Bằng

Tin tức: Lý Thị Phương – Cán bộ Dự án

Trong ngày 27/3, cuộc họp về lập kế hoạch phối hợp…

Trong ngày 27/3, cuộc họp về lập kế hoạch phối hợp giữa các bên liên quan hỗ trợ trẻ khuyết tật và người khuyết tật đã được triển khai tại xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
 
Hoạt động do dự án “Quyền học tập của em” hỗ trợ tổ chức với sự tham gia của 50 đại biểu đến từ các tổ chức và cơ quan liên quan như Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật cấp huyện, tỉnh, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật các xã trên địa bàn dự án…. Cùng nhau, các thành viên đã thảo luận để đưa ra những giải pháp giúp xây dựng môi trường sống hòa nhập và bình đẳng dành cho trẻ khuyết tật và người khuyết tật tại xã Hạnh Phúc.
 
Tham dự và hỗ trợ tư vấn cho cuộc họp, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) chia sẻ: “Việc truyền thông là cần thiết nhằm thúc đẩy quyền lợi của trẻ khuyết tật và người khuyết tật tại địa phương. Các xã cần chú trọng phát hiện sớm để có những can thiệp phù hợp trong thời điểm vàng với trẻ có nguy cơ khuyết tật, đây là cơ hội tốt để trẻ phục hồi và hòa nhập cộng đồng về sau.”

GÓC VĂN HÓA

NÉT ĐẶC SẮC TRONG GIAI ĐIỆU HÁT THEN ĐÀN TÍNH

Khi giới thiệu về vùng đất Bắc Kạn và Cao Bằng, sẽ thật là một thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến nét đẹp đặc sắc của giai điệu Hát Then Đàn Tính. Đây là một hình thức biểu diễn truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan. Đặc điểm của hình thức biểu diễn này chính là sự kết hợp hài hòa giữa tiếng hát then, tiếng đàn tính và chuỗi hạt xúc xắc.

Hát Then đàn tính thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ tại địa phương, các buổi biểu diễn phục vụ du khách du lịch. Ngoài ra, Hát Then cũng là một nét văn hóa mang yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, hát then còn được sử dụng để giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất.

Ở tỉnh Bắc Kạn hiện nay, các làn điệu Then Tính vẫn thường xuyên được duy trì để biểu diễn phục vụ công chúng cũng như tham gia vào các hội diễn lớn nhằm gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam cũng đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Anh chị em hãy cùng bản tin Đồng Hành lắng nghe giai điệu Hát Then Đàn Tính qua video ngắn bên phải nhé!

BẠN CÓ BIẾT?

Màu sắc không chỉ làm đẹp cho thế giới xung quanh chúng ta mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng và năng suất của chúng ta khi làm việc. 

Hãy cùng bản tin Đồng Hành tìm hiểu về tác động của một số màu sắc và áp dụng chúng để tăng năng suất làm việc của bản thân mình bạn nhé! Bạn có thể trang trí bàn làm việc của mình với những màu sắc này, đặt chúng làm hình nền điện thoại, hoặc đơn giản chỉ là phối trang phục của mình với những màu sắc đó.

Màu xanh lá mang lại cảm giác cân bằng giữa thể chất, tư duy và cảm xúc, giúp giảm căng thẳng cho mắt và làm giảm cảm giác lo âu. Màu xanh lá thường được sử dụng trong không gian làm việc nhằm tạo ra một môi trường thư giãn và tập trung.

Màu vàng thường được liên kết với ánh nắng mặt trời và có tác động tích cực đến tâm trạng của chúng ta, giúp chúng ta thêm tự tin và sáng tạo. Trong môi trường làm việc, màu vàng thường được sử dụng để tạo điểm nhấn, giúp kích thích tư duy và nâng cao tinh thần làm việc.

Màu xanh dương thường được gắn với tư duy và có khả năng giúp chúng ta giao tiếp thêm tự tin và hiệu quả. Màu xanh dương thường được chọn làm màu chủ đạo cho các văn phòng nhằm tạo ra một không gian làm việc chuyên nghiệp và yên tĩnh.

Màu trắng khiến chúng ta có cảm giác không gian được mở rộng, thoáng đãng hơn. Màu trắng thường được sử dụng giúp không gian làm việc thêm sáng sủa và rộng rãi, từ đó tạo cho nhân viên cảm giác tự do và thoải mái hơn.

Màu đỏ có khả năng tăng cường hoạt động của sóng não, tạo ra nguồn năng lượng thích hợp cho những vị trí công việc đòi hỏi sự quyết đoán và năng động.

Đồng Hành

Tháng 3/2024

CHILDFUNDERS – NHỊP ĐẬP CÙNG TRẺ THƠ

© Bản quyền thuộc về ChildFund Việt Nam