CÂU CHUYỆN của tháng

Trò chuyện cùng Gen Z

Xem chi tiết

tin tin tick & talk

ChildFund  tham vấn xây dựng kế hoạch phát triển vùng

Xem chi tiết

góc văn hóa

Đếm ngược đến Retreat 2022

Xem chi tiết

bạn có biết

Bí kíp viết báo cáo tốt

Xem chi tiết

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

TRÒ CHUYỆN CÙNG GEN Z

Trịnh Thảo My

Trợ lý Quan hệ Tài trợ

VP Hoà Bình

Lục Văn Việt 

Cán bộ Dự án

VP Cao Bằng

Nguyễn Thu Huế 

Cán bộ CTXH

VP Bắc Kạn

Phạm Thị Dịu 

Trợ lý Quan hệ Tài trợ 

VP Hà Nội

Nguyễn Tuấn Khôi

Trợ lý Quan hệ Công chúng 

VP Hà Nội

Thế hệ Gen Z là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Khác với thế hệ Gen Y và Gen X, thế hệ Gen Z được tiếp cận với Internet từ sớm, sớm hòa nhập với một xã hội mở. Vì vậy, có thể nói đa số Gen Z không còn quá bỡ ngỡ khi “chân ướt chân ráo” bắt đầu với một môi trường làm việc mới. Tuy nhiên, Gen Z, như bao thế hệ khác, vẫn luôn có những nỗi sợ vô hình, những tâm tư, cảm xúc của riêng mình. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng trò chuyện với 5 đại diện Gen Z đến từ 4 văn phòng để hiểu thêm về một thế hệ đang trên đà gia tăng quân số tại ChildFund Việt Nam nhé!

 

Xin chào! Các bạn có thể bật mí về lý do lựa chọn làm việc tại ChildFund Việt Nam không? Thời gian đầu làm quen công việc các bạn cảm thấy thế nào?

My: Hồi đó, học Đại học xong, mình quyết định về Hoà Bình làm việc và được bạn bè giới thiệu về ChildFund. Mọi người nói là ChildFund đang tuyển một vị trí phù hợp với chuyên ngành mình được học, đó là công tác xã hội. Vậy nên mình đã quyết định thử sức, phần nữa vì mình cũng đã từng làm công việc liên quan tới trẻ em 😃

Thời gian đầu làm quen công việc, mình thành thật dùng 2 từ là “ choáng ngợp” và “khủng hoảng”. Mình chưa quen làm việc với đối tác, cùng với số lượng thư tài trợ trẻ nhiều làm mình khá áp lực. Nhưng rất may là các anh chị trong nhóm đã hỗ trợ mình rất rất nhiều.

Việt : Ấn tượng đầu của mình về ChildFund là 1 tổ chức lớn, đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh Cao Bằng. 

Bản thân là 1 người con tỉnh Cao Bằng, mình muốn được tham gia cùng ChildFund để hỗ trợ người dân trong tỉnh, vậy nên mình đã apply.

Thời gian đầu mình cũng khá bỡ ngỡ vì đây là một môi trường mới với những đồng nghiệp mới, tuy nhiên mọi người trong văn phòng đã giúp mình hòa nhập rất nhanh với công việc.

Huế: Mình có duyên với ChildFund vào một ngày cuối tháng 4.2021. Khi vô tình mình lướt Facebook thì thấy thông tin ChildFund tại Bắc Kạn đang tuyển dụng vị trí Intern, và mình đã ứng tuyển. May mắn là mình đã được lựa chọn dù mình chỉ mới ra trường và không có nhiều kinh nghiệm làm việc như bao ứng viên khác.

Thời gian đầu thử việc là khoảng thời gian khá áp lực đối với mình. Người giúp mình giải quyết hết những vướng mắc là anh quản lý của mình lúc đó. Anh giúp mình xử lý công việc bằng cách đưa ra những gợi ý và phương hướng để mình biết cách áp dụng.

Dịu: ChildFund là tổ chức đáp ứng đúng với nguyện vọng phát triển bản thân của mình – làm việc tại 1 INGO. Với mình thì NGO là nơi có thể giúp mình phát triển bản thân và mở rộng mối quan hệ với một môi trường làm việc thân thiện, năng động.

Vừa hứng thú vừa lo sợ là cảm nhận của mình khi mới làm việc tại ChildFund. Việc được làm công việc phù hợp ở một môi trường mình mong ước thật sự rất tuyệt. 

Mình bắt đầu làm việc cũng là khi bắt đầu giãn cách và mọi người phải làm việc ở nhà. Mình không có cơ hội gặp mặt và nhận được sự hướng dẫn trực tiếp nên luôn lo sợ rằng bản thân sẽ hoàn thành không tốt. Tuy nhiên, tất cả thành viên trong team SR đã hỗ trợ rất tận tình, giúp mình có thể hoàn thành tốt công việc.

Khôi: Mình quyết định nộp đơn ứng tuyển vào ChildFund vì mình cảm thấy đây là nơi có thể giúp mình nâng cao những kỹ năng về mặt chuyên môn, hơn thế nữa mình cũng rất muốn thử sức với một môi trường làm việc quốc tế. Thời gian 2 tháng đầu thử việc của mình cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi COVID-19, mình hiếm khi được gặp trực tiếp chị Quản lý cũng như mọi người trong team. Tuy nhiên mọi người luôn nhiệt tình giúp đỡ mình, và mình đã bắt nhịp được với công việc không quá lâu.

 

Vậy theo các bạn, thế hệ gen Z có những lợi thế cũng như khó khăn nào khi làm việc tại ChildFund?

My: Mình nghĩ vì mình trẻ đã là một lợi thế rồi nhỉ  😆. Mình còn trẻ thì mình không ngại gì mọi thử thách trong công việc.Trong việc của SR, mình thấy mình có lợi thế khi tiếp xúc với các bạn học sinh vì khoảng cách thế hệ không quá lớn, và mình cũng chợt khai phá ra tiềm năng chụp ảnh của mình khi làm việc tại ChildFund đó!

Việt: Lợi thế của 1 người trẻ như mình là sự năng động, ham học hỏi những cái mới và có nhiều thời gian dành cho công việc. Còn hạn chế lớn nhất, hiển nhiên rồi, đó là kinh nghiệm và các mối quan hệ.

Huế: Lợi thế đối với mình là mình có thể linh hoạt sử dụng công nghệ để hỗ trợ trong công việc. Mình đã tìm tòi và áp dụng nhiều công cụ trong khi làm việc để có thể dễ dàng xử lý nhanh chóng. Ví dụ như khi dịch tài liệu, mình sử dụng công cụ Quillbot hoặc Grammarly để tăng tốc xử lý nhiệm vụ. Khó khăn thì mình nghĩ cũng giống như các bạn GenZ khác của ChildFund thôi, mình chưa có quá nhiều kinh nghiệm 😄

 Dịu: Vì một trong những chiến lược của ChildFund Australia là thay đổi và cải tiến nên mình nghĩ đây là một lợi thế cho người trẻ như mình. Vì còn trẻ nên bản thân mình có thể thích ứng khá nhanh với thay đổi mới, hay nói đúng hơn là cảm thấy khá hào hứng với thay đổi.

Khôi: Bản thân mình cũng nghĩ còn trẻ đã đơn giản là một lợi thế rồi. Mình luôn sẵn sàng học hỏi, tiếp thu những thứ mới hàng ngày, và mình cũng muốn vượt ra khỏi những vùng an toàn và trông chờ những thử thách mới. Tuy nhiên thì mình cũng sẽ cần dành thêm thời gian tìm hiểu sâu hơn về các hoạt động của tổ chức cũng như của các INGO khác vì mình chưa có quá nhiều kinh nghiệm.

Các bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với ChildFund?

My: Kỷ niệm mình nhớ nhất là chiến dịch phát đồ cho mùa Covid tại Hoà Bình. Mình và mọi người đã làm việc lấy hàng và kiểm hàng đến 12h đêm để có thể mang những đồ dùng cần thiết cho người dân và trẻ, lúc đó mình nhận thấy văn phòng của mình làm việc như một gia đình thật sự vậy!

Việt: Hì, thành thật mà nói mình làm việc tại ChildFund chưa quá lâu nên cũng chưa có nhiều kỷ niệm, nhưng mình rất trông chờ vào kỳ Retreat tới đây đó! 😊

Huế: Kỷ niệm có lẽ mình không bao giờ quên được là sự thân thiện và hòa đồng của tất cả đồng nghiệp nơi đây. Cảm giác gặp anh, chị nào lần đầu cũng như thân quen lâu lắm rồi, như kiểu anh em một nhà vậy, không bao giờ mình cảm thấy có sự xa lạ dù các anh, chị đó có đến từ bất kỳ văn phòng nào.

Dịu: Cũng liên quan tới giai đoạn COVID luôn😅 Mình trúng tuyển khi Covid bắt đầu bùng phát mạnh, việc hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi onboard thật sự rất khó khăn đối với mình. Mình đã phải lùi ngày bắt đầu làm việc và vận dụng mọi cách để có đủ giấy tờ hoàn thiện hồ sơ. Nghĩ lại thì thấy khá vất vả nhưng cuối cùng mọi việc cũng xong. 😁

Khôi: Mình vào làm tại ChildFund vào đúng dịp Tết Âm lịch, và mình đã nhận được lì xì của mọi người trước cả ngày mình chính thức bắt tay vào công việc 😁 Đó thật sự là một màn “welcome” rất ấm áp với mình 😁

 

TIN TIN TICK & TALK

297101815_8043348665683160_6662653782689177724_n

ChildFund Việt Nam khảo sát, tham vấn xây dựng kế hoạch phát triển vùng trong 3 năm tới

Tin tức: Nguyễn Thu Huế – Cán bộ CTXH; Đinh Ngọc Duy  – Cán bộ CTXH; Lý Thị Phương – Cán bộ Dự án

Trong tháng 7, ChildFund Việt Nam đã phối hợp cùng UBND các huyện triển khai khảo sát, tham vấn xây dựng…

Trong tháng 7, ChildFund Việt Nam đã phối hợp cùng UBND các huyện triển khai khảo sát, tham vấn xây dựng kế hoạch phát triển vùng trong 3 năm tới tại ba tỉnh Hoà Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn. 
 
Tổng số người tham gia khảo sát tại cả ba tỉnh là gần 1000 người, đại diện cho cộng đồng bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên, cha mẹ/người chăm sóc trẻ, giáo viên, người khuyết tật, cán bộ thôn, xã và các lãnh đạo cấp huyện. 
 
Qua hoạt động khảo sát này, các khó khăn, thách thức đã được đại diện các nhóm trẻ em và người lớn chia sẻ, thảo luận và lựa chọn ưu tiên để cùng phân tích, bao gồm: vấn đề trẻ em tảo hôn, kết hôn sớm, trẻ thiếu kỹ năng tự chăm sóc và bảo vệ, suy dinh dưỡng, trẻ phải lao động sớm, trẻ em với an toàn trên mạng, bạo lực học đường… Những chia sẻ từ cộng đồng là cơ sở quan trọng giúp ChildFund Việt Nam xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp trong thời gian tới.
 
Xem thêm:
– Ảnh về hoạt động khảo sát ở Cao Bằng tại đây
– Ảnh về hoạt động khảo sát ở Hoà Bình và Bắc Kạn tại đây
291701907_7911387888879239_2808897448580940512_n

Tổng kết Dự án “Công bằng trong tiếp cận dịch vụ Y tế có chất lượng đối với bà mẹ trẻ em miền núi huyện Kim Bôi, Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2019-2022”

Tin tức: Ứng Thị Hiền – Cán bộ Dự án

Sau 3 năm triển khai, dự án “Công bằng trong tiếp cận…

Sau 3 năm triển khai, dự án “Công bằng trong tiếp cận dịch vụ Y tế có chất lượng đối với bà mẹ trẻ em (BMTE) miền núi huyện Kim Bôi, Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2019-2022” đã mang lại những kết quả nổi bật:

  • 7.672 người chăm sóc trẻ tại 11 xã được tư vấn sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe BMTE (Sổ hồng)
  • 3.135 người chăm sóc trẻ và 88 cán bộ y tế thôn, bản được truyền thông về kỹ năng chăm sóc 1.000 ngày đầu đời của trẻ
  • 1.481 trẻ được cấp vi chất, giúp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng
  • 04 phòng khám thân thiện (03 cấp xã và 01 cấp huyện) được trang trí với sự tham gia của trẻ em
Ngoài những con số trên, dự án cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước sinh, trẻ nhỏ và thúc đẩy thực hành sức khỏe và dinh dưỡng BMTE thông qua các can thiệp nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe ở cộng đồng.
 
Đây là nội dung chia sẻ tại Hội thảo tổng kết dự án do UBND huyện Kim Bôi, Tân Lạc phối hợp cùng ChildFund Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đại diện đến từ Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, Hội Phụ nữ huyện, huyện đoàn, Trung tâm Y tế huyện, cha mẹ trẻ từ các xã dự án…
290876358_7920891134595581_8656025726836302246_n

Hội thảo tổng kết năm thứ nhất của dự án “Sẵn sàng vào tiểu học”

Tin tức: Đinh Thị Thu Hà – Cán bộ Dự án

Hội thảo tổng kết năm thứ nhất của dự án “Sẵn sàng vào tiểu học” đã được tổ chức thành công tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Khách mời tham dự là các đại biểu đến từ Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình…

Hội thảo tổng kết năm thứ nhất của dự án “Sẵn sàng vào tiểu học” đã được tổ chức thành công tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
 
Khách mời tham dự là các đại biểu đến từ Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình, Ban quản lý và tổ kỹ thuật dự án, chính quyền từ 04 xã dự án, đại diện ban giám hiệu và giáo viên các trường mầm non, TH&THCS và đại diện các cha mẹ có con khuyết tật.
 
Trong dịp này, các thành viên đã cùng thảo luận về những điểm tâm đắc, những điều cần cải thiện cũng như đề xuất những ý kiến giúp hoàn thiện dự án về các lĩnh vực:
  • Chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học
  • Phương pháp tạo môi trường đa dạng giàu ngôn ngữ
  • Giáo viên lớp 2-5 áp dụng bộ đánh giá kĩ năng viết của học sinh
  • Lập kế hoạch phát triển trường học có lồng ghép 3 nội dung chuyển tiếp, khuyết tật, giới
  • Kỹ năng chăm sóc trẻ/trẻ khuyết tật
294501498_7984888908195803_304733774830245472_n

ChildFund Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thi tuyên truyền cổ động xã Suối Hoa

Tin tức: Nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ Dự án Swipe Safe

Hội thi tuyên truyền cổ động xã Suối Hoa năm nay…

“Đồng hành cùng con trên môi trường mạng” – Đó chính là chủ đề được lựa chọn cho Hội thi tuyên truyền cổ động xã Suối Hoa năm nay do ChildFund Việt Nam phối hợp cùng Phòng Văn hóa, Thể thao huyện Tân Lạc và UBND xã Suối Hoa tổ chức. Tám đội thi từ 8 xóm thuộc xã Suối Hoa với các thành viên từ người lớn, thanh niên cho tới trẻ em đã cùng tham gia cuộc thi với những tiết mục tuyên truyền cổ động ấn tượng và đặc sắc. Một vài thông điệp ý nghĩa được các đội gửi gắm bao gồm:
 
* Giữ gìn bản sắc dân tộc – Thanh thiếu niên hiện nay dùng thiết bị thông minh và internet nhiều, do được tiếp thu các nền văn hoá khác hiện đại hơn mà quên đi văn hoá dân tộc Mường. Vì vậy, trẻ cần phải được dạy về văn hoá cổ truyền cũng như cách tiếp thu những điều tốt trên mạng.
 
* Qua tiết mục kịch, nhóm trẻ em xóm Đạy đã lên tiếng về hiện tượng trẻ xích mích, đánh nhau và quay phim đăng lên mạng dẫn đến ảnh hưởng về tâm lý và cuộc sống của nạn nhân, từ đó kêu gọi gia đình cùng nhà trường hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hiểu được tác hại có thể xảy ra nếu đăng những thông tin không tốt trên mạng.
 
* Một trẻ lớp 6 từ xóm Liếm cũng đã sử dụng phần thuyết trình bằng tranh của mình để lên tiếng kêu gọi cộng đồng xoá bỏ những định kiến đối với nam giới, tăng cường vai trò của nữ giới để cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương.
292384723_7931451176872910_477609314731585589_n

Diễn đàn Trẻ em tỉnh Bắc Kạn

Tin tức: Nguyễn Thu Huế – Cán bộ Công tác Xã hội

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ Cục Trẻ em, Sở LĐTBXH các tỉnh, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế…

“Kỷ luật học sinh là giải pháp cuối cùng khi không có sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều trường học sử dụng phương án kỉ luật học sinh. Giáo dục như vậy là chưa đúng đắn vì có thể khiến các em vi phạm nhiều hơn. Thay vào đó, chúng ta tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và lắng nghe suy nghĩ của trẻ để có phương án xử lý phù hợp hơn”.
 
Trên đây là chia sẻ từ ông Sằm Văn Du, Phó Giám gốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn trong phiên đối thoại giữa các lãnh đạo Sở, ban ngành và trẻ em tại Diễn đàn Trẻ em tỉnh Bắc Kạn diễn ra từ ngày 05 – 08/7.
 
2022 là năm thứ 9 Diễn đàn Trẻ em được UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với ChildFund Việt Nam tổ chức. Diễn đàn là dịp để 66 bạn nhỏ đến từ 08 huyện, thành phố – đại diện cho hơn 80 nghìn trẻ em trên địa bàn tỉnh – được tập huấn và thảo luận về các vấn đề liên quan đến trẻ em và đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo.
 
Qua các phiên làm việc sôi nổi, tích cực và nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các thành viên trong Ban tổ chức, 04 nhóm vấn đề liên quan đến trẻ em đã được thảo luận và đưa ra giải pháp: phòng chống bạo lực thể chất và tinh thần trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục, kết hôn trẻ em; phòng chống xao nhãng, bỏ mặc trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
 
Tin thêm về sự kiện trên báo chí: http://baobackan.com.vn/…/dien-dan-tre-em-lan-thu-chin…/
297372660_8062922557059104_1961700301984410107_n

Khảo sát đầu vào dự án Bảo vệ trẻ em tại Hoà Bình

Tin tức: Trần Thu Giang – Cán bộ Dự án BVTE

Cuối tháng 7 vừa qua, ChildFund Việt Nam đã phối hợp với phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Kim Bôi…

Cuối tháng 7 vừa qua, ChildFund Việt Nam đã phối hợp với phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình triển khai hoạt động khảo sát đầu vào dự án Bảo vệ trẻ em (BVTE) tại bốn xã Đú Sáng, Hợp Tiến, Nuông Dăm và Cuối Hạ.

Hoạt động khảo sát đầu vào hướng đến nhóm đối tượng là đại diện của Ban thường trực BVTE cấp xã, nhóm giáo viên là đầu mối BVTE trong trường học, nhóm học sinh khối lớp 5 – 8 và cha mẹ/người chăm sóc trẻ. Dưới sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội và người làm công tác trẻ em trên địa bàn xã, hoạt động đã huy động lên đến hơn 250 người trong hệ thống BVTE chính thức dựa vào cộng đồng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và trung thực cho số liệu đầu vào của dự án.

Với sự đóng góp nhiệt tình của người dân địa phương, cuộc khảo sát đã thu được những phản hồi xác thực và đáng tin cậy. ChildFund Việt Nam và đối tác địa phương vẫn đang từng ngày nỗ lực xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, đặt trẻ em là đối tượng được hưởng lợi cao nhất để trẻ được phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh.

GÓC VĂN HÓA

Đếm ngược tới Retreat 2022

Bạn đã sẵn sàng cho kì Retreat đang tới rất gần? Retreat 2022 khởi đầu cho kì chiến lược mới hứa hẹn sẽ đem lại rất nhiều ý tưởng đột phá, vượt lên mọi thách thức, rào cản. Trong lúc chờ đợi, hãy cùng xem lại một số hình ảnh để biết được những điều gì thú vị đang chờ đón chúng ta vào cuối tháng 8 này!

* Clip có sử dụng hình ảnh tư liệu quay bởi anh Trần Văn Tú – Điều phối viên Dự án BVTE

ChildFunders với mùa viết báo cáo

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 hàng năm là dịp các thành viên team dự án bận rộn với các hoạt động viết báo cáo. 

Dù khối lượng công việc khá nhiều, nhưng mỗi thành viên đều cố gắng hết sức để hoàn thành báo cáo thật tốt, đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, phân tích vấn đề sắc bén và rút ra những bài học quý giá để triển khai hoạt động hiệu quả hơn. 

Tâm huyết là vậy nên sau mỗi mùa báo cáo, nhìn các anh chị em dự án, ai cũng có phần khác lạ (như anh nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ Dự án An toàn Mạng ở ảnh bên 😊)

* Hình minh họa mang tính chất vui vẻ và đã được sự cho phép của nhân vật

Văn hóa vùng dự án: Phong tục rằm tháng 7 của người Tày - Nùng

Bắc Kạn và Cao Bằng là nơi bà con con dân tộc Tày và Nùng sống tập trung đông đảo với những nét văn hóa đặc trưng.

Ngày rằm tháng 7 là một trong những ngày lễ rất quan trọng của người Tày Nùng, diễn ra vào ngày 14,15 tháng 7 âm lịch. Ngày này trong tiếng Tày Nùng gọi là tết Pây Tái. Pây Tái dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là về thăm nhà ngoại. Con gái và con rể sẽ đem lễ gồm một con vịt, bánh gai, rượu, hoa quả, bánh kẹo…về thăm nhà ngoại. Đây là dịp để con cái thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Khác với ngày tết Nguyên đán làm bánh chưng và ăn thịt gà, thì ngày rằm tháng 7 mọi người sẽ ăn thịt vịt và làm bánh gai. Mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau tề tựu để làm bánh, chuẩn bị bàn thờ cúng gia tiên. Đối với những người con xa quê đây cùng là dịp để anh em họ hàng được tề tựu, xum vầy. Không khí vào những ngày này cũng rất nhộn nhịp và vui vẻ.

BẠN CÓ BIẾT?

Mỗi mùa viết báo cáo, các Cán bộ Dự án đều rất trăn trở làm sao để viết báo cáo được tốt và phản ánh đầy đủ, chính xác các hoạt động của dự án. Thấu hiểu những trăn trở này, anh Nguyễn Quốc Phong – Quản lý Giám sát, Đánh giá & Học hỏi đã đưa ra một số bí kíp thông qua việc giải đáp các câu hỏi thường gặp của các anh chị Cán bộ Dự án như dưới đây.

Mỗi dự án có thể có những yêu cầu báo cáo khác nhau. Tuy nhiên, về tổng thể, một báo cáo dự án tốt cần đáp ứng một số tiêu chí quan trọng như sau.

Trình bày phù hợp, rõ ràng và ngắn gọn: Tốt nhất, một đề cương báo cáo, với các đề mục và yêu cầu cụ thể, nên được phát triển và thống nhất giữa các bên liên quan ngay từ giai đoạn thiết kế dự án, để những người phụ trách báo cáo áp dụng.

Nhận định đưa ra cần chính xác và có đầy đủ dẫn chứng/bằng chứng, dưới hình thức định lượng hoặc định tính. Ví dụ, một nhận định được đưa ra trong báo cáo là “Dự án đã tổ chức thành công lớp tập huấn và nâng cao nhận thức cho 30 cha mẹ/ người chăm sóc về bảo vệ trẻ em”, thì cần đưa ra bằng chứng về tăng tỉ lệ phần trăm người có kiến thức đúng về bảo vệ trẻ em, dựa trên số liệu so sánh kết quả đánh giá trước và sau tập huấn.

Phân tích đầy đủ và hợp lý vấn đề/khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai dự án và những giải pháp khắc phục. Ví dụ, báo cáo nêu ra một vấn đề “Dự án chậm tiến độ”, thì cần giải thích vì sao dự án bị chậm, hoạt động nào chậm, nguyên nhân là gì, ảnh hưởng như thế nào đến việc đạt được kết quả và mục tiêu của dự án, giải pháp khắc phục đã và đang áp dụng là gì và kết quả ra sao.

Trước tiên, mỗi dự án cần có một kế hoạch giám sát đánh giá rõ ràng và chi tiết. Kế hoạch giám sát đánh giá được các chuyên gia, cán bộ dự án, quản lý chương trình vùng và nhóm giám sát đánh giá và học hỏi xây dựng và thống nhất ngay sau khi một dự án mới được phê duyệt.

Bước tiếp theo, nhóm Giám sát, đánh giá và học hỏi cùng các chuyên gia và cán bộ dự án xây dựng những công cụ giám sát đánh giá và triển khai giám sát đánh giá các hoạt động dự án theo kế hoạch đề ra. Cuối cùng là tổng hợp, quản lý và xử lý kết quả giám sát đánh giá theo các chỉ số tác động, kết quả, đầu ra của dự án, ở những thời điểm khác nhau. Những kết quả này chính là những dẫn chứng/ bằng chứng để đưa vào báo cáo dự án.

Giám sát đánh giá là hoạt động thường xuyên và liên tục của dự án nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động và kết quả của dự án. Chính vì vậy, các thông tin, dữ liệu thu được từ hoạt động giám sát đánh giá là rất quan trọng để đưa vào báo cáo. Để tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát đánh giá thì ngoài nhân viên ChildFund Việt Nam, đối tác địa phương cũng đóng góp một vai trò quan trọng. ChildFund Việt Nam đang thúc đẩy việc áp dụng phương pháp tiếp cận giám sát đánh giá có sự tham gia (participatory monitoring and evaluation approach) để tăng cường sự tham gia và nâng cao tính tự chủ của đối tác địa phương trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng hoạt động dự án. Việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về giám sát đánh giá cho cán bộ, nhân viên của ChildFund Việt Nam cũng được nhóm Lãnh đạo cấp cao quan tâm và thúc đẩy. Theo đó, cán bộ dự án của ChildFund Việt Nam và đối tác địa phương cần được tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng về giám sát đánh giá, lập kế hoạch, tham gia vào việc thiết kế công cụ, triển khai giám sát đánh giá và theo dõi và sử dụng kết quả giám sát đánh giá dự án để nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động dự án.

Trước khi chia sẻ về cách phân tích nguyên nhân và hậu quả của vấn đề thì tôi muốn chia sẻ về những vấn đề được phát hiện. Vấn đề của dự án được hiểu là những khó khăn, thách thức trong việc triển khai các hoạt động hoặc những điều cần được xem xét và giải quyết để dự án có thể đạt được những mục tiêu đề ra. Cùng một sự việc có thể có nhiều vấn đề, điều quan trọng là chúng ta cần xác định được đúng vấn đề trọng tâm để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Ví dụ, báo cáo nêu ra một vấn đề là “Bố mẹ ít khi tham gia các hoạt động dự án mà chủ yếu là ông bà”. Đây có thể được xem là một hiện tượng hơn là một vấn đề. Để xác định được vấn đề cho hiện tượng này thì chúng ta có thể đặt ra câu hỏi, việc bố mẹ ít tham gia các hoạt động dự án mà chủ yếu là ông bà thì dẫn đến điều gì hoặc ảnh hưởng như nào đối với việc đạt được mục tiêu dự án? Câu trả lời có thể là “Ông bà không đủ khả năng để chăm sóc và bảo vệ trẻ”. Chúng ta có thể có những câu hỏi tiếp theo tương tự như vậy để đào sâu thêm vấn đề. Câu trả lời cuối cùng có thể là “Trẻ em không được chăm sóc bảo vệ tốt tại gia đình như mục tiêu dự án đề ra”. Đó chính là vấn đề trọng tâm hay vấn đề cốt lõi mà chúng ta cần xác định. Việc xác định đúng vấn đề trọng tâm sẽ giúp việc phân tích nguyên nhân, hậu quả và tìm kiếm giải pháp mang lại nhiều lợi ích với dự án, bao gồm cả việc kế hoạch hoạt động để đạt được những mục tiêu đề ra.

Có nhiều kỹ thuật phân tích nguyên nhân và giải pháp của vấn đề. Một trong những cách khá đơn giản và quen thuộc là mô hình CÂY VẤN ĐỀ. Mô hình này đặt vấn đề ở THÂN CÂY, các nguyên nhân của vấn đề được đặt ở GỐC CÂY và các kết quả/hậu quả được đặt ở NGỌN CÂY. Kỹ thuật này cũng đã được áp dụng trong quá trình ChildFund Việt Nam làm tham vấn cộng đồng để xây dựng kế hoạch chiến lược 3 năm trong tháng 7 năm 2022 vừa qua.

Chúng ta cần hiểu rõ về đối tượng dự án, mục tiêu dự án và những thay đổi mong đợi của dự án trên những nhóm đối tượng khác nhau. Những thay đổi này có thể là kiến thức, thái độ, hành vi, điều kiện sống, vị thế xã hội, vận hành của hệ thống…

Người viết câu chuyện thành công sẽ theo dõi, nắm bắt những thay đổi ở các nhóm đối tượng đích để lựa chọn những trường hợp thay đổi rõ ràng nhất và tài liệu hóa bằng văn bản và hình ảnh. Quá trình này nên bắt đầu sớm tiếp tục trong suốt vòng đời dự án.

Bên cạnh việc phân tách số liệu kết quả và đầu ra theo giới tính, tình trạng khuyết tật, thành phần dân tộc… để đưa vào báo cáo, những chiến lược, nỗ lực, cách thức mà dự án đã thực hiện để thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập khuyết tật, hòa nhập xã hội nên được đề cập.

Trong báo cáo dự án cần trả lời một số câu hỏi:

  • Dự án đã thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập khuyết tật, hòa nhập xã hội như thế nào, trong khâu thiết kế, triển khai hoạt động, giám sát đánh giá?
  • Những nỗ lực nào đã được thực hiện và kết quả ra sao, cung cấp dẫn chứng/ bằng chứng cụ thể?

Đồng Hành

Tháng 7/2022

CHILDFUNDERS – NHỊP ĐẬP CÙNG TRẺ THƠ

© Bản quyền thuộc về ChildFund Việt Nam