Bản tin nội bộ

đồng hành

THÁNG 5/2022

câu chuyện của tháng

Hành trình chung tay bảo vệ TE miền núi

Xem chi tiết

tin tin tick & talk

Điểm tin nhanh VOC (Voice of ChildFund)

Xem chi tiết

góc văn hóa

Tập huấn quản lý căng thẳng tại VP Hà Nội

Xem chi tiết

bạn có biết

Đố vui về Công ước Quyền Trẻ em

Xem chi tiết

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

Hành trình Chung tay Bảo vệ Trẻ em Miền núi

Bài viết: Nguyễn Thu Huế – Cán bộ Công tác Xã hội

Ảnh: Trịnh Thảo My – Nguyễn Thị Thơm – Nông Hồng Hạnh (Trợ lý QHTT tại các VPV)

Bảo vệ trẻ em (BVTE) là một trong những chương trình trọng tâm của ChildFund Việt Nam. Trong nhiều năm qua, công tác triển khai thực hiện các nội dung về quyền trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số được ChildFund Việt Nam hỗ trợ tại ba tỉnh miền núi Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Kạn đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em nơi đây. Để đạt được thành tựu này không thể không nhắc đến những cán bộ kỳ cựu đã gắn bó với ChildFund trong nhiều năm qua. Để chào mừng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, hãy cùng chúng tôi nhìn lại hành trình gắn bó của ba cán bộ trong nhóm BVTE của ChildFund Việt Nam.

Ngược dòng thời gian về 13 năm trước, anh Lê Ngọc Bảo – Trưởng nhóm Chuyên gia về Quyền Trẻ em và BVTE chia sẻ: “Tôi đến với ChildFund như một cái duyên không hẹn mà gặp. Trước đó, tôi đã có cơ hội làm việc ở nhiều dự án khác nhau của một số tổ chức liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên. Việc gắn bó với ChildFund như lẽ đương nhiên vì ở đây tôi tìm được sự đam mê, tìm được những người đồng nghiệp, những người bạn cùng yêu thích được làm việc với trẻ em và vì trẻ em. Cũng chính vì những lý do đó mà làm tôi gắn bó và cống hiến với ChildFund suốt những năm qua”.

Ảnh: Anh Lê Ngọc Bảo những năm đầu làm tại ChildFund

Những ngày ấy là những ngày bắt đầu đánh dấu hành trình của anh Bảo bước vào con đường bảo vệ trẻ em, đồng hành và gắn bó với ChildFund. Tuy nhiên, để xây dựng được một hệ thống BVTE vững mạnh như ngày hôm nay cũng đi kèm với những thách thức không thể lường trước. Anh Bảo chia sẻ: “Trước đây, các can thiệp tại Việt Nam của ChildFund đối với lĩnh vực BVTE chưa được định hình rõ nét. Tại các vùng dự án khi đó, nhận thức của cộng đồng liên quan đến BVTE còn hạn chế, đồng thời cũng chưa nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương và xã hội”.

Thật chẳng dễ gì để vượt qua những khó khăn này nhưng anh Bảo cùng các thành viên trong nhóm đã cùng nhau học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ nhiều tổ chức chuyên về trẻ em để xác định mô hình dự án về thúc đẩy quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em. Sau nhiều năm cố gắng nỗ lực cùng với sự trợ giúp rất lớn từ các chuyên gia của văn phòng Sydney, nhóm BVTE đã có thể tự hào vì xây đựng được một mô hình chuẩn trong hỗ trợ hệ thống BVTE và cơ chế BVTE dựa vào cộng đồng để tiếp tục đồng hành cùng các đối tác từ TW tới địa phương hoàn thiện và phát triển tiếp trong thời gian tới.

Con đường bảo vệ trẻ em ở khu vực miền núi luôn khó khăn và gập ghềnh hơn khi nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em còn hạn chế. May mắn trên hành trình của mình, anh Bảo luôn có những đồng nghiệp hỗ trợ trực tiếp tại cộng đồng. Anh Bùi Xuân Hòe – một Cán bộ Kỹ thuật Dự án BVTE kỳ cựu, đã đồng hành với ChildFund trong suốt 15 năm chia sẻ kỷ niệm:

Ảnh: Anh Bùi Xuân Hòe trên đường đi thực địa

“Năm 2006, các dự án chuyên sâu trong lĩnh vực BVTE bắt đầu triển khai tại cộng đồng. Để chuẩn bị cho thiết kế dự án, tôi đã cùng với đối tác khi đó là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em huyện Bạch Thông tiến hành đánh giá nhu cầu tại các xã trong vùng dự án.

Khi đến làm việc với Lãnh đạo xã, Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ rất quả quyết cho rằng công tác bảo vệ trẻ em của xã đã làm rất tốt, không cần sự hỗ trợ của ChildFund và gợi ý chuyển sang hỗ trợ người dân về vốn, cây trồng, vật nuôi, xây dựng trường, trạm y tế…Trước sự cương quyết của Lãnh đạo UBND xã, tôi đã cố gắng kiên nhẫn giải thích cho đối tác. Cuối cùng, cuộc khảo sát cũng diễn ra đúng kế hoạch, các nhóm đối tượng tham vấn đầy đủ. Sau đó ChildFund phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát và nhận thấy quả thật có nhiều vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt, và có nguy cơ bị bạo lực xâm hại nên các dự án BVTE được triển khai ở xã này từ năm 2006 đến năm 2018.”

Cũng gắn bó với công tác BVTE tại ChildFund từ những ngày đầu, anh Trần Văn Tú, Điều phối viên Dự án BVTE bồi hồi nhớ lại những ngày tháng còn nhiều khó khăn nhưng cũng đầy ắp niềm vui: “Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khi đi tham dự các sự kiện truyền thông về Bảo vệ trẻ em tại các xã vào buổi tối trong những năm 2008 – 2010. Ngày đó, người dân và trẻ em chưa được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên đã rất hào hứng mỗi khi được ChildFund tổ chức truyền thông, có những trẻ em và người lớn ở những xóm xa trung tâm xã (khoảng 8-10km đã phải đến từ 5h chiều và chờ đến 7h tối để được xem”.

Ảnh: Anh Trần Văn Tú chia sẻ trong buổi Họp Thường niên

Cơ hội có, thách thức có nhưng luôn có một sức mạnh tự hào hiện hữu bên trong những người cán bộ này của ChildFund.

“Điều tôi tự hào nhất trong công việc của mình đến thời điểm hiện tại ở Vùng Bắc Kạn là khi có vấn đề xảy ra đối với trẻ em (bạo lực, xâm hại) đối tác các huyện, xã phường đều gọi điện để tham vấn cách giải quyết. Tôi rất vui khi đối tác cả những vùng ngoài dự án biết đến và cần sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến bảo vệ trẻ em”, anh Hòe xúc động chia sẻ.

Với anh Tú, sự ghi nhận của chính quyền các cấp đối với mô hình BVTE mà anh và các đồng nghiệp đã dày công gây dựng là một động lực to lớn: “Tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ của mình để cùng tổ chức, cùng các đồng nghiệp trong nhóm tạo lên những mô hình BVTE mà được chính quyền địa phương các cấp và cấp trung ương ghi nhận. Trong lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè vào tối 31/5/2022, bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Hòa Bình đã chia sẻ các tổ chức Phi chính phủ, trong đó có ChildFund, đã đóng góp rất lớn vào công tác BVTE của tỉnh”.

Còn với anh Bảo, hành trình 13 năm qua tại ChildFund luôn là một hành trình đầy ý nghĩa: “Tôi tự hào được làm cho ChildFund, một tổ chức đã cho tôi được làm công việc tôi yêu thích, ghi nhận những cống hiến của tôi và trong một môi trường tập hợp những đồng nghiệp có cùng chí hướng, giá trị và đam mê.

TIN TIN TICK & TALK

280490558_7639105116107519_4587337740241661522_n

Hội thảo phản hồi lần 2 về hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học

Tin tức: Đinh Thị Thu Hà – Cán bộ Dự án

Trong ngày 7/5 vừa qua, ChildFund Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức thành công Hội thảo phản hồi lần 2 về hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học…

Trong ngày 7/5 vừa qua, ChildFund Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức thành công Hội thảo phản hồi lần 2 về hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, khuyết tật và giới với sự tham gia của lãnh đạo Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và 50 lãnh đạo nhà trường, giáo viên từ các trường mầm non, TH và THCS tại các xã huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Hội thảo thuộc khuôn khổ dự án “Sẵn sàng vào tiểu học” là dịp để các thành viên cùng chia sẻ về những kết quả đạt được, củng cố kiến thức và kỹ năng thực hiện kế hoạch phát triển trường học, thảo luận về những khó khăn trong thực tế tại các trường cũng như đưa ra những giải pháp cho năm học sắp tới. Sau những thành công bước đầu, ChildFund Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm nòng cốt của Sở GD&ĐT và tỉnh Hòa Bình nhân rộng những kết quả tốt đẹp ra toàn tỉnh.

281005313_7658260070858690_7783183462846779545_n

ChildFund Việt Nam hỗ trợ VACR tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em

Tin tức: Nguyễn Thị Biên – Cán bộ Dự án

Trong ngày 13/5, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Bảo vệ trẻ em (BVTE) đã được Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) tổ chức với sự hỗ trợ của ChildFund Việt Nam…

Trong ngày 13/5, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Bảo vệ trẻ em (BVTE) đã được Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) tổ chức với sự hỗ trợ của ChildFund Việt Nam. Đây là hoạt động phối hợp giữa 2 bên nhằm tăng cường năng lực của Hội về BVTE. 30 thành viên tham dự hội thảo là các Luật sư, Luật gia, Tư vấn viên tại cộng đồng, Hội thẩm nhân dân bảo vệ quyền trẻ em và Cán bộ làm công tác trẻ em tại cộng đồng. Qua các phần chia sẻ và thảo luận sôi nổi, các thành viên đã cùng bàn luận kế hoạch hành động để triển khai chiến lược của Hội trong BVTE và học hỏi kinh nghiệm xây dựng, vận hành và cơ chế hoạt động của mạng lưới luật gia, luật sư thành phố Hồ Chí Minh với mong đợi xây dựng một mạng lưới tương tự ở phía Bắc.

Thông qua những trò chơi và thảo luận nhóm, các giáo viên đã chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của họ về mong đợi của cha mẹ khi nuôi dạy bé trai và bé gái, từ đó phân tích để thấy khuôn mẫu giới và định kiến giới được hình thành như thế nào và góp phần ra sao trong việc duy trì bất bình đẳng giới. Họ cũng được gợi ý xây dựng những thông điệp yêu thương, truyền cảm hứng mới như “Con có năng khiếu môn nào để con học theo sở thích” hay “Bố mẹ tin ở con” để thay đổi cách nói chuyện, dạy dỗ học sinh.
282771255_7692499537434743_3239120767114527360_n

Học sinh Bắc Kạn thử sức với “Rung chuông vàng” về an toàn mạng

Tin tức: Hoàng Ngọc Linh – Cán bộ Dự án

Các bạn học sinh Khối 9 trường THCS Đức Xuân vừa qua đã cùng tham gia thử thách “Rung chuông vàng”, xuất sắc vượt qua các câu hỏi trắc nghiệm…

Các bạn học sinh Khối 9 trường THCS Đức Xuân vừa qua đã cùng tham gia thử thách “Rung chuông vàng”, xuất sắc vượt qua các câu hỏi trắc nghiệm về các chủ đề như thực trạng sử dụng Internet tại Việt Nam, những lợi ích và nguy cơ khi sử dụng Internet, chính sách và nội quy về An toàn mạng trong nhà trường, quy trình ứng phó khi gặp sự cố an toàn mạng… Đây là hoạt động thuộc chương trình “Ngoại khoá Rung chuông vàng – Truyền thông về chủ đề An toàn trên mạng cho trẻ em” do ChildFund Việt Nam hỗ trợ nhà trường tổ chức cho học sinh năm học 2021 – 2022. Cũng trong chương trình, cuộc thi vẽ tranh chủ đề An toàn trên mạng cũng được đông đảo các bạn học sinh tham gia, hưởng ứng.

283803075_7713499188668111_1019174977680698826_n

Tư vấn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em và cấp vi chất cho phụ nữ có thai tại Hòa Bình

Tin tức: Ứng Thị Hiền – Cán bộ Dự án

Nhờ những hỗ trợ từ dự án “Công bằng trong tiếp cận Dịch vụ y tế có chất lượng đối với bà mẹ và trẻ em miền núi giai đoạn 2019-2022”, phụ nữ có thai…

Nhờ những hỗ trợ từ dự án “Công bằng trong tiếp cận Dịch vụ y tế có chất lượng đối với bà mẹ và trẻ em miền núi giai đoạn 2019-2022”, phụ nữ có thai tại huyện Kim Bôi và Tân Lạc, Hòa Bình giờ đã thêm yên tâm trong suốt thai kỳ bởi qua các buổi khám thai tại Trạm y tế, họ đã được cấp và tư vấn về cách sử dụng cuốn Sổ theo dõi Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Sổ hồng). Cuốn Sổ được cấp để theo dõi sức khỏe từ khi bà mẹ mang thai và tiếp tục theo dõi trẻ đến khi trẻ tròn 5 tuổi, giúp mẹ phân biệt được khi trẻ phát triển bình thường hay có vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, hàng tháng dự án cũng cấp vi chất cho khoảng 500 phụ nữ có thai để uống trong suốt thời gian mang thai và đến sau khi sinh 3 tháng. Việc uống vi chất giúp thai phụ có sức khỏe tốt và đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh từ khi còn trong bụng mẹ, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. 

284056774_7723135017704528_1105128356494782126_n

Tập huấn kỹ năng cảm xúc xã hội cho thúc đẩy viên cộng đồng

Tin tức: Hoàng Văn Hưng – Điều phối Dự án

Trong 3 ngày 22 – 24/5/2022, Ban quản lý Chương trình ChildFund huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đã tổ chức khoá tập huấn về Kỹ năng cảm xúc xã hội cho gần 20 thúc đẩy viên cộng đồng…

Trong 3 ngày 22 – 24/5/2022, Ban quản lý Chương trình ChildFund huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đã tổ chức khoá tập huấn về Kỹ năng cảm xúc xã hội cho gần 20 thúc đẩy viên cộng đồng là các giáo viên và phụ huynh tới từ 5 trường dự án. Khoá tập huấn đã cung cấp các kiến thức theo giáo trình kỹ năng cảm xúc xã hội dành cho học sinh lớp 6 đến lớp 8 thuộc hệ thống trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các trường phổ thông có học sinh bán trú. Các chủ đề được tập trung chính bao gồm: Tự nhận thức – Tự quản lý – Nhận thức xã hội – Quản lý các mối quan hệ – Ra quyết định có tránh nhiệm nhằm xây dựng các nền tảng về các kiến thức và kỹ năng về cảm xúc xã hội. Sau khóa tập huấn này, các thúc đẩy viên cộng đồng sẽ tiếp tục thực hành các kiến thức đã được đào tạo và xây dựng kế hoạch tập huấn về kỹ năng cảm xúc xã hội cho các em học sinh trong năm học tiếp theo.

281549701_7730071547010875_5433585699160294154_n

ChildFund Việt Nam tham gia chuỗi sự kiện, triển lãm Ngày hội “Thế giới tuổi thơ”

Tin tức: Nhóm Truyền thông

Ngày hội “Thế giới tuổi thơ” lần thứ 23 – năm 2022 với chuỗi sự kiện triển lãm, trải nghiệm dành cho trẻ em, cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc…

Ngày hội “Thế giới tuổi thơ” lần thứ 23 – năm 2022 với chuỗi sự kiện triển lãm, trải nghiệm dành cho trẻ em, cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc và miễn phí đã diễn ra từ ngày 27/5 đến 1/6 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư, Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật hằng năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tạo ra cơ hội học hỏi và vui chơi lành mạnh, bổ ích dành cho thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè. Tham gia sự kiện năm nay, ChildFund Việt Nam rất vui được chia sẻ tới các em những kiến thức bổ ích về bảo vệ trẻ em và an toàn trên mạng thông qua những thước phim hoạt hình đáng yêu và trò chơi “Vòng quay may mắn” đầy vui nhộn!

GÓC VĂN HÓA

Tập huấn "Quản lý Căng thẳng" tại VP Hà Nội

Ngày 31/5 vừa qua, nối tiếp sự thành công các buổi tập huấn tại các Văn phòng Vùng, buổi tập huấn về “Quản lý căng thẳng” đã được tổ chức đầy hứng khởi tại Văn phòng Hà Nội.

Dưới sự dẫn dắt của 2 giảng viên bên ngoài, nhân viên VP Hà Nội đã cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ về những tác nhân gây ra căng thẳng, dấu hiệu nhận biết căng thẳng và các công cụ quản lý căng thẳng hiệu quả v.v.

Buổi tập huấn đặc biệt ý nghĩa khi nhân viên VP Hà Nội vừa trải qua thời gian làm việc tại nhà kéo dài với nhiều áp lực và đang bước vào giai đoạn bình thường mới.

Văn hóa Vùng Dự án: Món ăn "Khâu nhục"

Thông tin: Tạ Doanh Thu Hoài – Thực tập sinh VP Bắc Kạn

Khâu Nhục là một món ăn đặc trưng của người đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại Bắc Kạn – nơi ChildFund đang hoạt động. Đây là món ăn thường chỉ được làm trong các dịp lễ tết, cưới hỏi.

Khâu Nhục hay còn gọi là “nằm khau”, cái tên bắt nguồn từ cách thức sắp xếp món ăn trên đĩa giống như một mỏm đồi nhỏ đang vươn lên. Trong tiếng Tày, Nùng, “khau” có nghĩa là đồi. 

Để có món khâu nhục thơm ngon cần dùng thịt ba chỉ tươi, cắt miếng vuông, đầu tiên là luộc thịt thật kỹ, sau đó vớt ra để nguội rồi cạo sạch phần bì thịt. Tiếp đó sẽ châm thịt cho đến khi bì chảy mỡ để ướp rượu, giấm cho thấm đều. Cuối cùng cho thịt vào chảo mỡ nóng rán vàng rồi vớt ra.

Tùy mỗi vùng mà khâu nhục sẽ hơi khác nhau về cách chế biến một chút nhưng nhìn chung thì khâu nhục sẽ mang những đặc điểm như thịt thật mềm, béo ngậy, thơm phức khi ăn cực kì quyến rũ.

BẠN CÓ BIẾT?

Đồng Hành

Tháng 5/2022

© Bản quyền thuộc về ChildFund Việt Nam

CHILDFUNDERS – NHỊP ĐẬP CÙNG TRẺ THƠ

Theo dõi thêm thông tin: