CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

Kỉ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam 18/04

Xem chi tiết

TIN TIN TICK & TALK

Tập huấn TOT về An toàn trên mạng tại Campuchia

Xem chi tiết

GÓC VĂN HOÁ

Đặc sản măng đắng Hòa Bình

Xem chi tiết

BẠN CÓ BIẾT?

Hòa nhập khuyết tật trong chiến lược Địa phương hóa của ChildFund Việt Nam

Xem chi tiết

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

KỈ NIỆM NGÀY NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM - 18/04/2023

Ngày 18 tháng 04 hàng năm là ngày kỉ niệm Người Khuyết tật Việt Nam. Ngày hôm nay, hãy cùng Bản tin Đồng hành có cuộc trò chuyện với chị Phạm Thị Thanh Vân – Chuyên gia Quan hệ Đối tác và Địa phương hóa để hiểu hơn về khái niệm “hòa nhập khuyết tật”, một thuật ngữ được nhắc tới nhiều. 

Xin chào chị Vân, rất vui khi có cơ hội trò chuyện với chị. Đầu tiên, chị có thể chia sẻ kĩ hơn để các thành viên có chung một cách hiểu về khái niệm “hòa nhập khuyết tật” được không?

Xin chào! Phát triển hòa nhập là khi các hoạt động phát triển có bao gồm và mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng. Người khuyết tật là một phần của cộng đồng và họ có đầy đủ các quyền con người như những người khác, bao gồm quyền tham gia vào cộng đồng và đời sống chính trị, xã hội. Người khuyết tật không chỉ là một phần của nhóm “dễ bị tổn thương” mà họ có những sức mạnh và ý kiến riêng độc đáo có thể đóng góp. Họ là chuyên gia về việc sống chung với khuyết tật, họ rõ hơn ai hết về những trở ngại họ đang gặp trong đời sống hàng ngày. Vì vậy sự tham gia của họ vào quá trình giải quyết các vấn đề khuyết tật nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung của bất cứ quốc gia nào cũng đều rất quan trọng.

Rất cảm ơn chị. Vậy theo chị, đâu là những khó khăn, trở ngại trong quá trình thúc đẩy hòa nhập khuyết tật?

Các bậc cha mẹ hay có xu hướng giấu về vấn đề khuyết tật của con mình, không muốn thừa nhận rằng con mình khuyết tật và cần có sự hỗ trợ. Nhiều gia đình không muốn con em khuyết tật ra ngoài hòa nhập, chơi với bạn bè vì lo lắng con sẽ bị bắt nạt, gặp rủi ro, chấn thương. Bố mẹ thường sẽ ra quyết định thay cho trẻ khuyết tật vì nghĩ rằng con không biết hay không thể làm gì, không cần học vì có học cũng chả học lên cao được. Cộng đồng thì cũng có người không kỳ thị nhưng cũng vẫn nghĩ người khuyết tật đáng thương và đáng được giúp đỡ chứ không tự làm gì được.

Bên cạnh đó, năng lực và hiểu biết về hòa nhập khuyết tật của người cung cấp các dịch vụ công nói chung còn hạn chế và khác nhau. Chính vì vậy vẫn còn nhiều thách thức để người khuyết tật thực sự tham gia và hòa nhập trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có rất nhiều các dạng khuyết tật khác nhau mà giáo viên không có đủ hiểu biết hay kỹ năng cần thiết để hỗ trợ học sinh khuyết tật, hay không có đủ hoặc không có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để người khuyết tật có thể trao đổi về sức khỏe khi đi khám bệnh. Thậm chí chính bản thân nhiều người khuyết tật, chẳng hạn những người khiếm thính, cũng không sử dụng được ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp. 

Chị Vân tại Retreat 2022 của ChildFund Việt Nam

Nhiều cơ quan đơn, vị hành chính công thiếu đường ram để người khuyết tật sử dụng xe lăn có thể ra vào. Xe buýt công, xe thang lên máy bay không có hệ thống nâng xe lăn, vỉa hè thì thách thức cho cả người khiếm thị và người không khiếm thị khi di chuyển…

Tại ChildFund Việt Nam, các hoạt động thúc đẩy hòa nhập khuyết tật đang được tích hợp vào các hoạt động dự án như thế nào, chị có thể chia sẻ cùng mọi người?

Từ năm 2017 chúng ta đã có những hoạt động thúc đẩy việc lồng ghép các vấn đề khuyết tật trong thiết kế và thực hiện dự án, đơn giản như làm thế nào để có nhiều người khuyết tật hưởng lợi hay tham gia vào hoạt động dự án hơn. Từ năm 2018, ChildFund Việt Nam đã ưu tiên về việc có các bước chiến lược cụ thể trong việc thúc đẩy hòa nhập khuyết tật như hợp tác với tổ chức của người khuyết tật, hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm tự lực của người khuyết tật, đưa nguyên tắc hòa nhập khuyết tật vào trong phát triển dự án mới. Các nỗ lực này đã đem lại những thành tựu ban đầu như thay đổi nhận thức của các thành viên ChildFund Việt Nam và các đối tác, thay đổi cơ bản cách chúng ta nhìn nhận vấn đề của đói nghèo và bất bình đẳng một cách liên tầng, giao thoa giữa các lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ khu trú trong một lĩnh vực (intersectional).

Chúng ta cũng đã hỗ trợ được người khuyết tật Na Rì xây dựng từ một nhóm nhỏ trở thành Hội người khuyết tật có tư cách pháp nhân với hơn 100 thành viên và được chính quyền địa phương ghi nhận, ủng hộ. ChildFund Việt Nam cũng đang thúc đẩy các sáng kiến để nâng cao năng lực cho các nhóm và Hội để họ có thể từng bước tự chủ hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của người khuyết tật trên địa bàn. Giáo dục là một lĩnh vực chúng ta đã có nhiều thành công bước đầu được ghi nhận. Việc giới thiệu và đào tạo giáo viên xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật đang được triển khai, góp phần giúp cho nhiều học sinh khuyết tật có cơ hội học tập hiệu quả hơn cũng như huy động được nhiều hơn sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Rất cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa!

TIN TIN TICK & TALK

TẬP HUẤN TOT VỀ AN TOÀN TRÊN MẠNG TẠI CAMPUCHIA

Tháng 4 vừa qua, anh Đỗ Dương Hiển (Chuyên gia An toàn trên mạng – Văn phòng Hà Nội) cùng anh Nguyễn Mạnh Cường (Cán bộ dự án – Văn phòng Hòa Bình), đã hỗ trợ tổ chức tập huấn TOT về nội dung An toàn trên mạng cho đội ngũ nòng cốt và đối tác của ChildFund Campuchia, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác.

Tham dự khóa tập huấn là 24 cá nhân, bao gồm các cán bộ Bảo vệ trẻ em và Cán bộ dự án Swipe Safe tại Campuchia, Hiệp hội phụ nữ cùng với các cơ quan ban ngành về trẻ em tại Campuchia. Trải qua các buổi tập huấn, các thành viên đã hiểu được cách thức sử dụng tài liệu hướng dẫn và các công cụ để tổ chức lớp tập huấn cho trẻ em, phụ huynh và các người làm công tác Bảo vệ trẻ em. Mọi người tham gia đánh giá các kinh nghiệm thực tế của Việt nam rất hữu ích. Do tính chất của dự án, có rất nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ như quản lý thiết bị, kết nối thiết bị, thực hành và các hình thức truyền thông được các nước bàn luận và thảo luận sôi nổi.

1000 ngay dau doi

Hội thảo “Vận động nguồn lực thực hiện chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho một tương lai tươi sáng” tại tỉnh Bắc Kạn

Tin tức: Lục Huy Chung – Cán bộ Dự án

Trong ngày 06/04/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã cùng ChildFund Việt Nam tổ chức hội thảo “Vận động nguồn lực thực hiện chăm sóc 1.000 ngày đầu đời……”

Trong ngày 06/04/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã cùng ChildFund Việt Nam tổ chức hội thảo “Vận động nguồn lực thực hiện chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho một tương lai tươi sáng” nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam trên toàn địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
 
Hội thảo có sự tham gia của 64 đại biểu đến từ Ban quản lý chương trình ChildFund huyện Ngân Sơn, các Sở/ngành cấp tỉnh liên quan như Sở Y tế, Sở Thông tin Giáo dục Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm Y tế của tám huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và năm Trạm Y tế xã thuộc huyện Ngân Sơn nằm trong dự án “Chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho một tương lai tươi sáng”.
 
Tại sự kiện, ngoài những thông tin về thực trạng chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em tại địa phương, các đại biểu cũng được chia sẻ chi tiết về các hoạt động và mô hình sẽ triển khai của dự án tại huyện Ngân Sơn. Dựa trên đó, họ đã đưa ra những ý tưởng lồng ghép, học hỏi để cùng triển khai các hoạt động một cách hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu giúp trẻ em dân tộc thiểu số từ 0 đến 3 tuổi tại địa bàn được cải thiện chăm sóc dinh dưỡng, giáo dục và tương tác sớm. 
ngay nguoi khuyet tat VN

Kỷ niệm 25 năm ngày người khuyết tật Việt Nam & Gặp mặt, tuyên dương thanh niên khuyết tật tiêu biểu

Tin tức: Hoàng Văn Hưng – Điều phối Dự án

Sáng ngày 18 tháng 04, trong khuôn khổ dự án “Quyền học tập của em” giai đoạn 2, Hội người khuyết tật huyện Na Rì phối hợp với Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam……..

Sáng ngày 18 tháng 04, trong khuôn khổ dự án “Quyền học tập của em” giai đoạn 2, Hội người khuyết tật huyện Na Rì phối hợp với Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức chương trình “Kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4 – Chương trình Toả sáng nghị lực Việt & Gặp mặt, tuyên dương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2023”.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là người khuyết tật và người không khuyết tật trên địa bàn huyện Na Rì cùng với 65 đại biểu là những thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đa dạng các hoạt động đã được tổ chức trong khuôn khổ chương trình như tổ chức khám sức khỏe và tư vấn sức khỏe, tọa đàm trò chuyện với các tấm gương thanh niên và người khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó, các phần quà ý nghĩa cũng được trao tặng cho những người khuyết tật đã và đang đóng góp cho công tác giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện đã đón nhận những sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu đã trở thành nguồn cảm hứng động viên cho nhiều người khuyết tật khác trên toàn quốc. Chương trình cũng là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về khuyết tật và khuyến khích người khuyết tật phát huy nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

thong qua choi

Hội thảo “Phản hồi lần 1 về thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số thông qua chơi” tại tỉnh Hòa Bình

Tin tức: Đinh Thị Thu Hà – Cán bộ Dự án

Ngày 15 tháng 04 vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Sẵn sàng vào Tiểu học”, Hội thảo “Phản hồi lần 1 về thúc đẩy phát triển ngôn ngữ………”

Ngày 15 tháng 04 vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Sẵn sàng vào Tiểu học”, Hội thảo “Phản hồi lần 1 về thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số thông qua chơi” đã được tổ chức tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Hội thảo chào đón sự tham gia của 60 đại biểu là các cán bộ thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, các quản lý nhà trường, cùng với các giáo viên mầm non và tiểu học trên địa bàn dự án.

Tại Hội thảo, đại diện các trường Mầm non và Tiểu học đã trình bày các nội dung và kết quả thực hành của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số thông qua chơi. Bên cạnh đó, những thuận lợi và khó khăn khi thiết kế các hoạt động thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cũng đã được đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả.

Qua ý kiến chia sẻ, các đại biểu đều đánh giá cao tính thiết thực và cấp thiết của việc lồng ghép nội dung an toàn mạng vào chương trình giáo dục cấp THCS, cũng như sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy hoạt động này. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tập huấn cho giáo viên và học sinh, ChildFund sẽ cùng đối tác thực hiện những ý tưởng mới, sáng tạo và hiệu quả để tạo nên một môi trường giáo dục an toàn và toàn diện dành cho học sinh.

Hoạt động này do Bộ Ngoại giao và Thương mại Chính phủ Úc (DFAT) hỗ trợ thông qua Chương trình Hợp tác Phi chính phủ Úc (ANCP).

ngay hoi doc sach

Ngày hội đọc sách – mô hình sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng & Giáo dục kỹ năng sống tự lập, kỹ năng cảm xúc xã hội cho học sinh

Tin tức: Lồ Thùy Dung – Cán bộ Dự án

Ngày 17 tháng 04 vừa qua, 300 em học sinh đến từ trường TH & THCS Quang Trọng, tỉnh Cao Bằng đã cùng nhau tham gia sự kiện “Ngày hội đọc sách……….”

 Ngày 17 tháng 04 vừa qua, 300 em học sinh đến từ trường TH & THCS Quang Trọng, tỉnh Cao Bằng đã cùng nhau tham gia sự kiện “Ngày hội đọc sách – mô hình sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng & Giáo dục kỹ năng sống tự lập, kỹ năng cảm xúc xã hội cho học sinh”. Đa dạng các hoạt động thú vị và bổ ích đã được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện, bao gồm: 
 
  • Cuộc thi trang trí và giới thiệu sách nhằm khơi dậy trong các em học sinh thói quen đọc sách 
  • Hoạt động trưng bày các mô hình sản phẩm sáng tạo
  • Hoạt động trồng và trang trí những chậu cây từ nguyên liệu tái chế nhằm nâng cao ý thức của các em về lối sống xanh
 
Bên cạnh đó, các em cũng học được cách thấu hiểu bạn bè xung quanh, nhận diện được các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe thông qua các trò chơi đội nhóm và chuỗi bài giảng về an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao các kỹ năng cảm xúc xã hội và kỹ năng sống tự lập.
hoi nghi gap mat nguoi khuyet tat

Hội nghị “Gặp mặt người khuyết tật và xây dựng kế hoạch hòa nhập khuyết tật” tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình

Tin tức: Trần Văn Tú – Điều phối Dự án

“Cuộc đời này thật đáng sống!” – đó là lời chia sẻ chân thành và đầy ấm áp đến từ anh Dự, một người khiếm thị tại Hội nghị “Gặp mặt người khuyết tật và xây dựng…….”

“Cuộc đời này thật đáng sống!” – đó là lời chia sẻ chân thành và đầy ấm áp đến từ anh Dự, một người khiếm thị tại Hội nghị “Gặp mặt người khuyết tật và xây dựng kế hoạch hòa nhập khuyết tật” diễn ra tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình ngày 18 tháng 04 vừa qua. Tham dự hội nghị là những người khuyết tật, lãnh đạo UBND các xã, đại diện phòng Tài chính, phòng Lao động – Thương binh và xã hội (LĐTB & XH) huyện Kim Bôi cùng với các cán bộ phụ trách công tác Bảo vệ trẻ em.
 
Tại Hội nghị, anh Dự và những người khuyết tật trên địa bàn huyện Kim Bôi đã chia sẻ về những định kiến đang ngăn cản anh và mọi người học tập và đóng góp cho xã hội. Bản thân anh Dự đã từng rất khó khăn trong việc thuyết phục gia đình đồng ý cho anh đi làm, bởi người thân luôn lo lắng khi khả năng đi lại của anh gặp nhiều hạn chế. Đã có những lúc, anh Dự cảm thấy tự ti khi mọi người xung quanh luôn cho rằng anh không có khả năng lao động. Chia sẻ của anh Dự chỉ là một trong rất nhiều những chia sẻ đã được nêu ra và lắng nghe tại buổi Hội nghị.
hoi thao gioi thieu khoi dong du an

Tiến hành tổ chức hội thảo giới thiệu dự án “Quyền học tập của em giai đoạn 2  tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn 

Tin tức: Hoàng Văn Hưng – Điều phối dự án

 “Tham gia dự án là cơ hội để chúng tôi học hỏi, nâng cao năng lực để hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ được giao” – đó là chia sẻ đến từ bà Phạm Thúy Hằng……

 “Tham gia dự án là cơ hội để chúng tôi học hỏi, nâng cao năng lực để hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ được giao” – đó là chia sẻ đến từ bà Phạm Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Kạn – một trong những đối tác địa phương đã và đang đồng hành cùng ChildFund Việt Nam trong quá trình triển khai dự án “Quyền học tập của em”, hướng tới mục tiêu thúc đẩy giáo dục hòa nhập và tập trung xây dựng năng lực cho nhóm/Hội người khuyết tật.
 
Kết thúc giai đoạn 1 với nhiều kết quả hứa hẹn, ngày 26 tháng 04 vừa qua, đại diện đến từ Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), Trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Kạn, Hội bảo trợ, Hội Người khuyết tật Na Rì, các UBND xã, cha mẹ/người chăm sóc trẻ khuyết tật cùng các giáo viên đã tham dự Hội thảo giới thiệu dự án “Quyền học tập của em giai đoạn 2” tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
 
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại các hoạt động dự án trong giai đoạn 1, đồng thời thảo luận các kế hoạch sẽ được triển khai trong giai đoạn 2 từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2026. Với sự quyết tâm và đồng hành của các đối tác, ChildFund tin rằng dự án sẽ có những đóng góp tích cực cho kế hoạch và chiến lược của địa phương trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giáo dục hòa nhập.

GÓC VĂN HÓA

VĂN HOÁ VÙNG DỰ ÁN - MĂNG ĐẮNG HÒA BÌNH

Măng đắng là sản vật dân dã và phổ biến đối với nhiều dân tộc ở khu vực miền núi phía bắc, đặc biệt là các dân tộc Tày, Thái, Mường… Măng đắng có thể chế thành nhiều món như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn.

Vào mùa xuân, khi những cơn mưa phùn lất phất kéo đến vùng núi phía Bắc là lúc những cây măng vầu, tre, trúc, mai, sặt đua nhau đâm chồi, nhú khỏi mặt đất. Những cây măng này mang trong mình một sức sống kỳ lạ, vươn lên nhanh chóng. Đó cũng là lúc bà con các dân tộc rủ nhau vào rừng tìm chặt những cây măng non. Đầu mùa, măng thường có vị ngọt pha chút đắng, nhưng khi những cơn mưa rào nhẹ trút xuống thì chúng chuyển sang vị đắng đặc trưng. Măng đắng trở thành sản vật không chỉ được người dân địa phương mà còn nhiều khách phương xa ưa thích. Với người dân Hòa Bình, măng đắng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như măng luộc, xào mẻ, hầm xương… Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là món măng chua nấu với gà vịt và món măng nướng. Măng được lấy về, luộc và ngâm đến khi chua mang ra nấu với gà, vịt.

Hãy nếm thử đặc sản này khi bạn có dịp ghé thăm vùng đất Hòa Bình nhé.

BẠN CÓ BIẾT?

Chúng ta hãy cùng gặp lại Phạm Thị Thanh Vân – Chuyên gia quan hệ Đối tác và Địa phương hóa. Lần này, chị Vân sẽ chia sẻ cho các thành viên của ChildFund Việt Nam về ý nghĩa của hòa nhập khuyết tật trong một chiến lược rất quan trọng của ChildFund trong thời gian tới – chiến lược tăng cường địa phương hóa.

ChildFund Việt Nam đang từng bước thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật trong quá trình phát triển, cụ thể là vai trò tổ chức đại diện của người khuyết tật như nhóm tự lực hay Hội người khuyết tật. Đây chính là những việc làm góp phần thực hiện phương châm của Công ước Liên hợp quốc về Quyền của Người Khuyết tật (CRPD) là “Không có gì về chúng tôi mà thiếu đi sự tham gia của chúng tôi ” (Nothing about us without us). Vấn đề của người khuyết tật sẽ cần có người khuyết tật tham gia giải quyết.

Để làm được điều này, quá trình nâng cao năng lực, cùng làm, cùng rút kinh nghiệm là điều rất cần thiết. Các tổ chức đại diện của người khuyết tật đa số mới được thành lập và còn non trẻ, vậy nên chúng ta không thể áp dụng các nguyên tắc làm việc với họ như với các tổ chức hay đơn vị khác. Thực tế rất nhiều người khuyết tật có những hạn chế về cơ hội được tiếp cận với giáo dục, do đó các hoạt động giúp củng cố hệ thống tổ chức, hướng dẫn cách thức quản lý và vận hành cho họ là rất cần thiết và cần được ưu tiên.

Không chỉ vậy, bản thân chúng ta cũng cần thay đổi cách làm để đảm bảo chúng ta có thể là đối tác bình đẳng và hòa nhập với họ. Đại diện Hội người khuyết tật tỉnh Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tham gia các hoạt động hỗ trợ nhóm tự lực người khuyết tật huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Cách tốt nhất để nâng cao năng lực của họ chính là học và thực hành, chia sẻ kinh nghiệm lại. Đó chính là một phần của địa phương hóa, tiếng nói và hành động của cộng đồng, địa phương trong làm phát triển.  

 

Đồng Hành

Tháng 04/2023

CHILDFUNDERS – NHỊP ĐẬP CÙNG TRẺ THƠ

© Bản quyền thuộc về ChildFund Việt Nam