CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

Nhóm đại sứ ChildFund Việt Nam – Những chú ong chăm chỉ

Xem chi tiết

TIN TIN TICK & TALK

Tin tức nổi bật trong tháng 1 và 2

Xem chi tiết

GÓC VĂN HÓA

Chuyến thăm của Giám đốc các Chương trình Toàn cầu Sarah Hunt

Xem chi tiết

BẠN CÓ BIẾT?

Những tính năng có thể bạn chưa biết trong Microsoft Teams

Xem chi tiết

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNG

NHÓM ĐẠI SỨ CHILDFUND VIỆT NAM - NHỮNG CHÚ ONG CHĂM CHỈ

Vừa hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao, vừa dành thời gian lên ý tưởng và cùng nhau thực hiện các hoạt động nội bộ hấp dẫn và ý nghĩa cho toàn thể nhân viên trong tổ chức – các thành viên của nhóm Đại sứ ChildFund Việt Nam thật sự là những chú ong chăm chỉ đích thực! 

Bạn đã bao giờ tò mò về quá trình lên ý tưởng của nhóm, những hoạt động mà nhóm đã thực hiện hay những câu chuyện thú vị phía sau hậu trường chưa? Ngày hôm nay, hãy cùng bản tin Đồng Hành ghé thăm và lắng nghe chia sẻ từ một vài đại diện của nhóm về những trải nghiệm đáng nhớ của họ nhé!

Tham gia buổi trò chuyện hôm nay có chị Nguyễn Thị Vân – Điều phối Nhân sự và Hành chính, anh Trần Văn Tú – Điều phối viên Dự án, em Bạch Ngọc Phương – Trợ lý Tài chính và Vũ Minh Hoàng – Cán bộ Giám sát, Đánh giá và Học hỏi.

Lịch triển khai các hoạt động về Bộ giá trị và Bảo vệ môi trường của nhóm Đại sứ trong năm 2023 – 2025

     Thành viên đầu tiên và rất quan trọng của nhóm Đại sứ chính là chị Vân – Điều phối chung của Nhóm. Để bắt đầu, chị hãy giới thiệu qua với độc giả về Nhóm nhé!

      Chị Vân: Nhóm Đại sứ ChildFund là một đội ngũ gồm các thành viên năng động và nhiệt huyết, đại diện từ các phòng ban/văn phòng, những người “làm hết nấc, chơi hết mình”. Nhóm được thành lập và ra mắt từ tháng 10 năm 2023 với các nhiệm vụ sau:

  • Tổ chức các sự kiện chung của tổ chức như Retreat, Family Day, Annual Meeting ….
  • Tổ chức các buổi chia sẻ nhắc lại bộ giá trị của tổ chức
  • Thúc đẩy những thực hành tốt để đưa các giá trị này vào đời sống, công việc hàng ngày và tạo thói quen tốt bảo vệ môi trường sống của chúng ta

Tôi tin rằng thông qua những nhiệm vụ trên, nhóm Đại sứ không chỉ dẫn dắt các hoạt động mà còn đóng vai trò giải thích và hỗ trợ tất cả các đồng nghiệp hiểu rõ hơn về ý nghĩa và cách thức áp dụng các giá trị này vào công việc của mình. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mỗi cá nhân đều cảm thấy có trách nhiệm để thúc đẩy và thực hiện các giá trị tổ chức. Từ tháng 11 đến nay, đã có hai chủ đề được hai nhóm Đại sứ thực hiện:

  1. Giá trị Tôn Trọng + Tiết kiệm điện
  2. Giá trị Liêm chính + Hạn chế rác thải nhựa

Những hoạt động thú vị đã được tổ chức ở tất cả các văn phòng và được mọi người đón nhận rất tốt. Các bạn hãy chờ đón và tham gia thật nhiệt tình trong những hoạt động tiếp theo của nhóm Đại sứ nhé!

Anh Tú là một trong các thành viên của nhóm đầu tiên phát động tháng hành động vì các giá trị của tổ chức và bảo vệ môi trường. Anh có thể chia sẻ về những hoạt động anh đã thực hiện cùng nhóm của mình được không? Anh thấy sao về kết quả đạt được sau ba tháng hành động?

Anh Tú: Khi tháng hành động về giá trị Tôn trọng và Tiết kiệm điện được phát động, tôi đã chủ động liên hệ với các thành viên trong nhóm Đại sứ và cùng mọi người tìm hiểu nội dung, thể lệ… Để khuyến khích mọi người đăng tải những bài học, câu chuyện hay về hai chủ đề này trên Padlet, ngay sau đó tôi đã đăng bài đầu tiên và nhận được rất nhiều lượt thích và bình luận từ tất cả các văn phòng.

Trong những ngày tiếp theo, tôi và các thành viên trong nhóm Đại sứ vẫn thường xuyên liên hệ và thúc đẩy các nhóm tích cực tham gia. Trưởng nhóm của tôi – chị Thúy đã dẫn dắt cả nhóm để đảm bảo tất cả các thành viên đều có bài đăng hàng tuần. Mỗi khi có thành viên đăng lên, họ sẽ chia sẻ và các thành viên khác sẽ cùng vào đọc và bình luận để ghi điểm cho nhóm. Chúng tôi cũng vào đọc các bài của nhóm khác và nhấn “like” để thể hiện tinh thần tôn trọng. 

Tôi và các thành viên trong nhóm Đại sứ vô cùng hài lòng về kết quả đã đạt được sau ba tháng. Đặc biệt hơn, nhóm của tôi đã về nhất và nhận được món quà rất giá trị – cuốn sách “55 cách để tôn trọng người khác”! Tôi đã tặng món quà này cho hai con trai của tôi, hai cháu rất thích và đang đọc, thỉnh thoảng còn hỏi tôi một vài điều chưa hiểu trong quyển sách đó.

Thuộc nhóm đại sứ giá trị thứ hai, Phương đã cùng các thành viên rút ra một vài bài học kinh nghiệm sau khi quan sát nhóm hành động đầu tiên. Phương có thể chia sẻ về những trải nghiệm và ấn tượng đặc biệt của em khi làm việc cùng nhóm không?

Phương: Nhờ có nhóm Tôn trọng và Tiết kiệm điện mở đầu chuỗi hoạt động, em đã có hình dung rõ ràng hơn về việc mà nhóm mình cần thực hiện để nhắc lại giá trị Liêm chính và thực hành Hạn chế rác thải nhựa. Ngoài ra, em cũng đã được “update” về cách sử dụng Padlet và áp dụng luôn cho hoạt động của nhóm mình.

Ý tưởng của nhóm được ấp ủ và khai sinh trong thời gian tất cả các thành viên đều rất bận với công việc nên bọn em đã chọn cách làm việc rất linh hoạt. Bất kỳ thành viên nào có ý tưởng mới đều sẽ nhắn ngay vào trong nhóm, sau đó một buổi họp sẽ được sắp xếp để tất cả mọi người cùng lắp ráp lại thành một kế hoạch hoàn chỉnh. 

Các anh chị đều làm việc rất cởi mở nên em cảm thấy những ý tưởng của mình luôn được lắng nghe. Em cũng ấn tượng bởi sự sáng tạo “out of the box” của các anh chị khi lên ý tưởng. Cuối cùng, một ý tưởng đã lọt vào vòng chung kết, đó là việc tận dụng các vật liệu có sẵn, đã qua sử sụng để tạo nên cây/bảng thể hiện những hành động Liêm chính và Hạn chế rác thải nhựa.

Screenshot 2024-03-14 142742

Những câu chuyện thú vị được đăng tải trên Padlet

Là thành viên mới và nhỏ tuổi nhất trong tổ chức, Hoàng cảm thấy thế nào khi đc giao phó là một trong những trưởng nhóm dẫn dắt mọi người cùng hành động vì các giá trị của tổ chức? Em có những mong chờ gì về hoạt động của nhóm trong tương lai?

Hoàng: Thú thực là em thấy vừa lạ và cũng vừa vui. Lạ ở chỗ là đây là lần đầu tiên em tham gia các hoạt động nội bộ kể từ khi bắt đầu đi làm. Còn vui thì cũng đến chính từ những hoạt động này, khi tham gia em không những được chơi mà còn được nhận quà nữa! 😊

Em thấy ấn tượng nhất là hoạt động chia sẻ các câu chuyện về Tôn trọng và Tiết kiệm điện của quý trước. Qua hoạt động này em đã được đọc rất nhiều những câu chuyện đặc sắc. Để biết thêm chi tiết, mọi người vui lòng truy cập Padlet để đọc ạ chứ em kể không hết 😜

Trong thời gian này mọi người đang bận nhiều công việc chuyên môn nên chưa thể tham gia nhiệt tình. Em hy vọng nhóm Đại sứ sẽ thêm có nhiều hoạt động mới lạ để khuyến khích mọi người cùng tham gia, vừa giúp ôn lại những giá trị của tổ chức và vừa là cơ hội để mọi người xả stress sau những ngày bận rộn.

cc4655cdeb02475c1e13

Một trong những sản phẩm được các ChildFunders làm từ vật liệu tái chế

TIN TIN TICK & TALK

415023072_754233620066736_7192669638933099242_n

Nâng cao năng lực cho các cơ sở Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) tại địa phương 

Tin tức: Nguyễn Thị Minh An – Điều phối dự án và vận động chính sách quốc gia

Tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR)…

Tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) đã hợp tác cùng ChildFund Việt Nam tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở Hội tại địa phương, trong đó tập trung vào xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu chiến lược về bảo vệ trẻ em (BVTE) trong giai đoạn từ 2023-2028 và đánh giá, giám sát thực hiện chiến lược trong năm 2024.
 
Tham dự lớp tập huấn có 35 đại biểu đến từ các cơ sở Hội địa phương, các Chi hội, trung tâm trực thuộc tại các tỉnh/thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hải Phòng, Quảng Nam… Ngoài việc tìm hiểu về chiến lược phát triển, tầm nhìn và giá trị của Hội, các học viên cũng tích cực trao đổi kinh nghiệm và tham gia thực hành xây dựng kế hoạch 5 năm và hằng năm để đạt được mục tiêu chiến lược của Hội về BVTE.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – đại biểu đến từ VACR tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lớp tập huấn, tôi thấy rất bổ ích. Dù đã có nhiều năm công tác trong ngành nhưng thông qua lớp, tôi cũng học được kinh nghiệm từ các anh chị em khác để làm tốt công việc hơn. Tôi cũng rất mong sẽ có thêm các lớp tập huấn nâng cao năng lực để các địa phương thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình của mình”.
416845998_754808600009238_3561848838415703034_n

Tập huấn về học tập cảm xúc xã hội (SEL) cho giáo viên tại Hòa Bình

Tin tức: Ứng Thị Hiền – Cán bộ Dự án

Dự án “Sức khỏe và hạnh phúc cho học sinh” trong thời gian qua đã tổ chức hai lớp tập huấn về SEL…

Dự án “Sức khỏe và hạnh phúc cho học sinh” trong thời gian qua đã tổ chức hai lớp tập huấn về SEL cho 65 giáo viên chủ nhiệm, giáo viên mỹ thuật và Tổng phụ trách Đoàn đội của bảy trường THCS Ngổ Luông, Quyết Chiến, Phú Vinh, Phú Cường, Ngọc Mỹ, Trung Hòa và Ngòi Hoa.
 
Các giáo viên đã được cung cấp kiến thức về năm loại năng lực của SEL, quy tắc triển khai SEL với học sinh, hiểu và thực hành điều tiết cảm xúc, nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với học sinh, kỹ năng lắng nghe, kỷ luật phục hồi và cách thiết lập sự cân bằng cho bản thân. Qua tập huấn, các học viên đã hiểu được tầm quan trọng của SEL và có thể áp dụng trong công tác giảng dạy hàng ngày, tạo ra môi trường học tập hạnh phúc và an toàn cho cả giáo viên và học sinh.
419603393_762237395933025_7695957815335454096_n

ChildFund Việt Nam phối hợp với Cục Trẻ Em, Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Cao Bằng tổ chức tập huấn về Phần mềm Quản lý trường hợp

Tin tức: Nông Hồng Hạnh – Cán bộ Công tác xã hội

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em”, ChildFund Việt Nam đã phối hợp với Cục Trẻ Em, Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Cao Bằng tổ chức hoạt động “Tập huấn về Phần mềm Quản lý trường hợp”.
 
Tại lớp Tập huấn, 50 học viên là người làm công tác bảo vệ trẻ em, công chức lao động xã hội và đại diện cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các xã, huyện, thành phố trong và ngoài vùng dự án đã được nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ để hiệu quả hóa quá trình quản lý trường hợp và cung cấp dịch vụ hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng.
 
Thông qua hoạt động này, ChildFund Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cùng các đối tác xây dựng một môi trường an toàn để mọi trẻ em có thể phát triển một cách toàn diện nhất.
416339381_757856859704412_3809153033479540142_n

Tập huấn mở rộng thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua chơi cho giáo viên tại Hòa Bình

Tin tức: Đinh Thị Thu Hà – Cán bộ Dự án

Cuối tháng 12 và đầu tháng 1 vừa qua, các khóa “Tập huấn mở rộng thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ em…

Cuối tháng 12 và đầu tháng 1 vừa qua, các khóa “Tập huấn mở rộng thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua chơi” đã được dự án “Sẵn sàng vào tiểu học” tổ chức cho hơn 80 giáo viên tiểu học cốt cán và lãnh đạo, chuyên viên đến từ Phòng Giáo dục & Đào tạo tại tỉnh Hòa Bình.
 
Sau khi tham gia tập huấn, các học viên đã xác định được những phương pháp/kĩ thuật áp dụng Học thông qua Chơi để lên kế hoạch bài giảng cho học sinh, tự phát triển được những ý tưởng mới và có thể tiến hành bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên khác tại trường/huyện của mình.
423195604_769785021844929_6366702916702729137_n

Sự kiện ngoại khóa “Chăm lo và Bảo vệ trẻ em, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” 

Tin tức: Trần Văn Tú – Điều phối viên Dự án

Trong ngày 23/01, các dự án Giáo dục, Bảo vệ trẻ em (BVTE) và An toàn trên môi trường mạng đã phối hợp…

Trong ngày 23/01, các dự án Giáo dục, Bảo vệ trẻ em (BVTE) và An toàn trên môi trường mạng đã phối hợp với Trường TH & THCS xã Cuối Hạ, ban BVTE và Trung tâm học tập cộng đồng của xã Cuối Hạ, tỉnh Hòa Bình tổ chức sự kiện ngoại khóa “Chăm lo và Bảo vệ trẻ em, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
 
Tham gia vào sự kiện này, 70 cán bộ giáo viên, 300 cha mẹ/người chăm sóc và 1.300 trẻ em, trong đó có 31 trẻ em khuyết tật đã cùng tham gia các hoạt động như tọa đàm với cha mẹ/người chăm sóc trẻ khuyết tật, lắng nghe chia sẻ của nhóm trẻ em nòng cốt xã Cuối Hạ về các chủ đề phòng tránh xâm hại trẻ em và an toàn trên môi trường mạng, tham quan không gian trưng bày về quyền trẻ em và BVTE, chơi trò “Chiếc nón kỳ diệu” về chủ đề BVTE…
423515718_771035955053169_2738043661089898725_n

Hội thảo “Kích hoạt thực hiện mô hình Bệnh viên thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” tại Bắc Kạn

Tin tức: Lục Huy Chung – Cán bộ Dự án

Trong ngày 24/01, Hội thảo “Kích hoạt thực hiện mô hình Bệnh viên thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” đã được Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn tổ chức với sự tham gia của…

Trong ngày 24/01, Hội thảo “Kích hoạt thực hiện mô hình Bệnh viên thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” đã được Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn tổ chức với sự tham gia của 55 đại biểu đến từ Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện bao gồm huyện Ngân Sơn.
 
Mô hình “Bệnh viên thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” từ khi được Bộ Y tế hướng dẫn đến nay đã được 82 bệnh viện trên toàn quốc đăng ký thực hiện và đã có 34 bệnh viện được cấp danh hiệu.
 
Tại Bắc Kạn, với sự hỗ trợ từ dự án “Chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho một tương lai tươi sáng”, Sở Y tế tỉnh đã hướng dẫn TTYT huyện Ngân Sơn phối hợp cùng ChildFund và CDC để thực hiện mô hình này. Thành công đạt được tại Ngân Sơn sẽ là tiền đề để Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chia sẻ và nhân rộng mô hình đến tất cả các bệnh viện và TTYT trên địa bàn toàn tỉnh.

GÓC VĂN HÓA

CHUYẾN THĂM CỦA CHỊ SARAH HUNT,
GIÁM ĐỐC CÁC CHƯƠNG TRÌNH TOÀN CẦU
- KHU VỰC MEKONG VÀ MẢNG TÀI TRỢ

Cuối tháng hai vừa qua, văn phòng ChildFund Hà Nội đã có cơ hội chào đón chị Sarah Hunt, Giám đốc các Chương trình toàn cầu – Khu vực Mekong và Mảng tài trợ. Trong bốn ngày làm việc, chị Sarah đã có nhiều cuộc họp và trao đổi hiệu quả với phòng Chương trình và Ban lãnh đạo cấp cao (SMT). Bên cạnh đó, chị Sarah cũng đã đưa ra những góp ý hữu ích để hỗ trợ phòng Chương trình trong việc xây dựng bản đề xuất gây quỹ EU call. 

Hãy cùng nhìn lại một vài bức ảnh trong chuyến công tác đáng nhớ này của chị Sarah bên dưới nhé!

VĂN HÓA VÙNG DỰ ÁN: LẠP SƯỜN HUN KHÓI CAO BẰNG

Lạp sườn hun khói từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày và trên mâm cỗ Tết của người dân Cao Bằng. Chỉ cần một lần thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ không thể quên hương vị đặc biệt của món ăn này.

Phần vỏ lạp sườn Cao Bằng là ruột non được làm sạch, bóp muối, dấm và ướp bằng rượu trắng. Thịt làm nhân cũng phải chọn loại thịt lợn vai nửa nạc nửa mỡ để lạp sườn được mềm và ngon. Sau khi thái nhỏ, thịt được tẩm ướp cùng các loại gia vị mang đậm hương vị đặc trưng của địa phương như gừng núi, hạt tiêu, mắc mật, quế, các loại thảo quả… 

Những cọc tre sẽ được dựng lên để phơi lạp sườn dưới nắng. Khi lạp sườn đã khô lại, người ta sẽ mang đi treo gác bếp để hun khói. Bã mía thường được sử dụng khi hun khói, giúp lạp sườn có được vị thơm đậm đà và màu sắc vàng óng như mật ong. Hơi ấm của bếp lửa sẽ làm lạp sườn se lại và săn hơn, có thể để được rất lâu mà không sợ hỏng.

Các bạn đừng quên lưu lại món ăn này để thưởng thức trong chuyến thăm Cao Bằng tiếp theo nhé!

BẠN CÓ BIẾT?

NHỮNG TÍNH NĂNG CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
TRONG MICROSOFT TEAMS

Chúng ta sử dụng Microsoft Teams gần như mỗi ngày, thế nhưng bạn có chắc mình đã nắm rõ tất cả các tính năng hữu ích của ứng dụng này không? Trong số này, bản tin Đồng Hành sẽ mách bạn bốn tính năng đơn giản để chúng ta có thể bắt đầu sử dụng ngay hôm nay nhé!

Có rất nhiều các phím tắt trong Teams chúng ta có thể tận dụng để tiết kiệm thời gian. Hãy cùng làm quen và thực hành với một vài phím tắt đơn giản sau nhé:

  • Ctrl + Shift + M – Bật/Tắt Mic của bản thân
  • Ctrl + Shift + O – Bật/Tắt camera của bản thân
  • Ctrl + N – Bắt đầu một cuộc trò chuyện mới
  • Ctrl + O – Chọn và đính kèm file vào cuộc trò chuyện
  • Ctrl + shift + E – Chia sẻ màn hình trong cuộc họp

Bạn muốn tất cả mọi người đọc một tin nhắn quan trọng trong phần chat nhưng lại sợ mọi người chat thêm làm trôi tin nhắn hoặc khó tìm lại tin nhắn đó sau này? Hãy sử dụng tính năng ghim tin nhắn bằng cách đưa chuột đến tin nhắn cần ghim, sau đó nhấn vào dấu ba chấm hiện lên phía trên tin nhắn và chọn “Pin”. Tin nhắn được ghim sẽ luôn hiện lên trên đầu trong cửa sổ chat và ai trong cuộc trò chuyện cũng có thể nhìn thấy.

Để bỏ ghim tin nhắn, hãy nhấn vào biểu tượng dấu ba chấm bên phải tin nhắn đang được ghim, sau đó chọn “Unpin”.

Trong trường hợp cần phải họp ở nơi ngoài văn phòng như ở nhà hoặc tại địa điểm khác, chúng ta có thể chọn làm mờ nền của khung hình bản thân để tránh gây sao nhãng cho những thành viên còn lại.

Để làm điều này, trong cuộc họp, hãy nhấn vào mũi tên xuống bên phải biểu tượng “Camera”. Trong phần tùy chọn được mở ra, hãy nhìn xuống phần “Backgrounds” và chọn “Standard blur” để làm mờ nền.

Để tránh bị làm phiền khi có việc bận, hoặc để thông báo với các đồng nghiệp khác rằng mình đang ra ngoài hay đang sẵn sàng để trò chuyện, chúng ta có thể thay đổi trạng thái của mình trên Teams. Để làm điều này một cách dễ dàng nhất, chúng ta có thể sử dụng thanh tìm kiếm “Search” ở trên cùng của cửa sổ Teams.

Trong phần “Search”, hãy đánh các câu lệnh sau:

  • /away – Chuyển trạng thái sang màu vàng, dùng khi bạn có việc cần rời đi và sẽ quay trở lại sớm.
  • /busy – Chuyển trạng thái sang màu đỏ, dùng khi bạn có việc bận và không muốn bị làm phiền. Khi bạn tham gia một cuộc họp trên Teams, trạng thái của bạn sẽ được tự động chuyển sang màu đỏ và trở về như cũ khi cuộc họp kết thúc.
  • /available – Chuyển trạng thái sang màu xanh, dùng khi bạn sẵn sàng để trò chuyện.

Đồng Hành

Tháng 1 và 2/2024

CHILDFUNDERS – NHỊP ĐẬP CÙNG TRẺ THƠ

© Bản quyền thuộc về ChildFund Việt Nam