Thành công của đề xuất dự án ICT (Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông) thực sự đã truyền cảm hứng và lan tỏa niềm vui tới các thành viên ChildFund Việt Nam. Đằng sau một ý tưởng dự án như vậy là công sức của rất nhiều cá nhân đã tham gia đóng góp, hỗ trợ. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng gặp gỡ hai thành viên đại diện nhóm dự án để lắng nghe những chia sẻ của họ về hành trình đáng nhớ vừa qua nhé!
Xin chào chị Tâm và anh Linh, rất vui được trò chuyện cùng anh chị! Chúc mừng anh chị và tất cả các thành viên thầm lặng khác vì thành công của đề xuất dự án ICT. Với riêng bản thân anh chị, dự án lần này có ý nghĩa như thế nào?
Chị Tâm: Cảm xúc đầu tiên chị cảm nhận được là “Vượt qua chính mình!” Wow! Công nghệ là lĩnh vực thách thức đối với một người “cao niên” và low-tech như chị. Vì vậy, thiết kế dự án về ICT với vai trò “technical leading” (dẫn dắt kỹ thuật) và thành công với nó, đối với chị là một cú vượt “nút thắt cổ chai”.
Thứ hai, đó là “Cơ hội đã hiện hữu” Hura! Những năm trước, chúng ta cũng đã có một vài cơ hội liên quan đến lĩnh vực này nhưng chưa thành hiện thực. Trong năm 2020, Sydney dự định mở rộng dự án thí điểm thư viện số tại Việt Nam, nhưng Covid 19 xảy ra nên dự án bị dừng. Đến năm 2021, chúng ta phối hợp với tổ chức Library for All nộp hồ sơ cho một gói tài trợ của UNICEF Việt Nam về số hóa tài liệu đọc cho học sinh dân tộc thiểu số nhưng không thành công vì nhiều lý do.
Anh Linh: Trước khi đề cập đến cảm xúc của bản thân, tôi nghĩ thành công của dự án ICT lần này sẽ rất có ý nghĩa với hàng chục nghìn trẻ em hưởng lợi trong địa bàn dự án cùng các đối tượng khác như giáo viên, ban giám hiệu, người dân trong cộng đồng… Việc đưa được cơ hội học tập tốt hơn đến với các em chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến cuộc sống và cơ hội nghề nghiệp của các em sau này.
Quay trở lại với ChildFund, dự án lần này mở ra một lĩnh vực mới, một hướng tiếp cận mới hứa hẹn sẽ gặp nhiều thách thức nhưng sẽ là tiền đề để tổ chức có thể hoạt động rộng hơn trong mảng giáo dục nói riêng cũng như khả năng nhân rộng tại các tỉnh mới. Còn đối với cá nhân tôi, tôi thấy đây là một sự ghi nhận cho những nỗ lực đã bỏ ra trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ. Hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có thể bổ sung thêm nhiều dự án “triệu đô” vào danh sách thành tích của mình vì chắc chắn là với mỗi dự án như vậy thì sẽ có rất nhiều người hưởng lợi và đem lại những tác động lớn cho cộng đồng và xã hội.
Như em được biết, thành công lần này của anh chị và các thành viên đã trải qua không ít những khó khăn. Anh chị có thể chia sẻ để mọi người hiểu rõ hơn về những thử thách như vậy?
Chị Tâm: Thách thức lớn nhất với chị đó là thời hạn quá gấp. Chúng ta chỉ có khoảng 10 ngày cho concept note (ý tưởng dự án) và 3 tuần để hoàn thành bản đề xuất hoàn chỉnh. Phía ChildFund Korea yêu cầu khá chặt chẽ về thời hạn. Trong khi đó, ChildFund Việt Nam muốn tham gia nộp 2 đề xuất cho ChildFund Korea. Nói cách khác, chúng ta đã phải chia nguồn nhân lực thành 2 đội để xây dựng 2 concept note song song.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giáo dục có thể coi là một lĩnh vực mới với chúng ta và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thiết kế dự án về lĩnh vực này.
Anh Linh: Đúng là để giành được dự án này về cho ChildFund Việt Nam thì cả nhóm đã phải trải qua không ít khó khăn. Trước tiên là áp lực về mặt thời gian. Có những giai đoạn mà cả nhóm chỉ có vài ngày để hoàn thiện nên thực tế mọi người đã phải tranh thủ cả thời gian buổi tối hoặc cuối tuần để làm cho kịp tiến độ.
Sau đó là sự phối hợp ăn ý giữa rất nhiều nhân sự tham gia trong nhóm thiết kế. Với mỗi thay đổi điều chỉnh trong thiết kế sẽ cần tham vấn và thống nhất giữa các nhóm khác nhau và rà soát kỹ trong đề xuất để có thể đồng bộ thông tin.
Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến sự tham gia của đối tác trong khâu thiết kế cũng là một thử thách không nhỏ. Bởi chỉ trong thời gian ngắn cũng đòi hỏi phải có sự trao đổi thông tin nhanh và hiệu quả để đối tác có thể hiểu được cơ chế và cách thức làm việc của ChildFund và từ phía mình cũng cần nắm được cách thức triển khai các hoạt động kỹ thuật cần có sự tham gia của đối tác. Nhìn chung, để có được thành công này thì cả nhóm đều đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua các thách thức lớn như vậy.
Với riêng cá nhân anh chị, đâu là một “kinh nghiệm/bài học” đáng nhớ mà mọi người đã đúc kết được?
Chị Tâm: Không khí làm việc hối hả của các thành viên tham gia, đặc biệt những ngày sát thời hạn phải nộp đề xuất là điều chị ấn tượng nhất. Nó tựa như một công trường xây dựng sắp bước vào giai đoạn “cất nóc” vậy. Tin nhắn trên nhóm làm việc, cuộc gọi Skype, email chíu chíu qua lại cả vào ngày nghỉ và quá nửa đêm. Có lúc chị thấy sản phẩm trong bừa bộn, hỗn mang, thay đổi không kịp thở… Điều này phản ánh tinh thần quyết tâm, sự vào cuộc nhiệt tình của tất cả bộ phận, không chỉ riêng nhóm Giáo dục hay Gây quỹ. Đồng thời chúng ta cũng nhận ra một bài học rằng cần phải cải thiện hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ phận từ Quản lý, Gây quỹ, tới nhóm Chương trình/Kỹ thuật.
Bài học thứ 2, dẫu không mới nhưng vẫn rất cần nhắc lại vì nó quan trọng trong chiến lược mới của tổ chức, đó là việc tìm kiếm đối tác để cùng thiết kế dự án về lĩnh vực mới – những lĩnh vực chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm là rất cần thiết và quan trọng bởi nó không chỉ bổ sung cho những gì chúng ta còn thiếu về ý tưởng/chuyên môn mà còn hiện thức hóa chiến lược địa phương hoá và quan hệ đối tác và là “điểm nhấn” thu hút nhà tài trợ. Trong dự án ICT này, nhóm cũng đã ý thức về điều này và cố gắng tìm kiếm chuyên gia, đối tác cùng tham gia thiết kế dự án ngay từ bước đầu. Họ cũng đã tham gia nhiệt tình và đóng góp khá nhiều thông tin, ý tưởng cho thiết kế dự án. Tuy nhiên, họ chưa thể trở thành đối tác như kỳ vọng/mong đợi của chúng ta. Chúng ta cần chuẩn bị đủ kĩ, đủ tốt cho việc này trong các dự án tương lai!
Anh Linh: Đối với tôi, có lẽ kinh nghiệm quý báu nhất chính là học cách thức phân chia công việc trong nhóm làm sao cho hiệu quả và có thể khớp nối với nhau trong một số thời điểm quan trọng. Đó là bởi vì việc xây dựng thiết kế dự án chắc chắn phải là một công việc của nhóm, cần có sự tham gia đóng góp của nhiều người. Cách thức để huy động trí tuệ tập thể là một điều không hề đơn giản. Sau trải nghiệm thực tế lần này, tôi nghĩ mình sẽ có những tư liệu quý báu để có thể xây dựng một quy trình và cơ chế phối hợp trong nhóm hiệu quả hơn và hướng tới những thành công khác trong tương lai.
Rất cảm ơn anh chị đã đại diện các thành viên trong nhóm thiết kế dự án chia sẻ những cảm nhận thú vị và tràn đầy cảm hứng. Chúc anh chị cùng nhóm sẽ có thêm nhiều đột phá, nhiều thành công hơn nữa trong chặng đường phía trước!
BUỔI TẬP HUẤN VỀ NGHỊ ĐỊNH 13/2023/NĐ-CP
Tin tức: Nguyễn Thị Minh An – Điều phối Dự Án
Ngày 6/9/2023, buổi tập huấn về Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo mật dữ liệu cá nhân do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) đã được tổ chức tại Hà Nội…
CÂU LẠC BỘ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Tin tức: Đỗ Dương Hiển – Chuyên gia An toàn trên mạng
Để tăng cường sự kết nối giữa các bên liên quan và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ trẻ em…..
Cũng trong khuôn khổ lễ ra mắt, ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia An toàn trên mạng của ChildFund Việt Nam đã tham gia chia sẻ trong Toạ đàm “Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet” cùng các đại diện đến từ Cục Trẻ em, Cục an toàn thông tin và nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác.
VUI HÈ TRẢI NGHIỆM CÙNG TRẺ EM XÃ QUYẾT CHIẾN
Tin tức: Nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ Dự án
Nhân dịp tổng kết chiến dịch “Mùa hè an toàn” và chào đón năm học mới, Đoàn thanh niên xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vừa qua đã cùng ChildFund Việt Nam….
Tết Trung Thu luôn là một ngày đặc biệt với các em thiếu nhi. Đây là dịp để các em được cùng nhau chuẩn bị những mâm ngũ quả, cùng nhau rước đèn và hòa mình vào tiếng trống rộn ràng của điệu múa lân. Mùa Trung Thu 2023 này, trẻ em sinh sống tại các vùng dự án của ChildFund Việt Nam đã có những giây phút vui vẻ, rộn ràng bên nhau. Chúng ta hãy cùng nhìn ngắm những hình ảnh đẹp của mùa Trung thu năm nay nhé!
Vừa qua, tại Văn phòng Hà Nội đã diễn ra buổi chia sẻ về khóa học thiết kế chương trình tinh gọn, được dẫn dắt bởi chị Nguyễn Thị Hà Lan – Cán bộ SEL, Văn phòng Hà Nội, anh Hoàng Văn Hưng – Điều phối dự án, Văn phòng Bắc Kạn, chị Lý Thị Phương – Cán bộ dự án, Văn phòng Cao Bằng và anh Nguyễn Mạnh Cường – Cán bộ dự án, Văn phòng Hòa Bình.
Mục tiêu của buổi chia sẻ lần này là đem tới những bài học về tư duy thiết kế chương trình đào tạo/ tập huấn tới các thành viên ChildFund và tạo không gian để mọi người cùng thảo luận về những ý tưởng mới, đề xuất mới dựa trên những kiến thức đó để cải tiến, cải thiện hơn nữa hiệu quả và chất lượng của các chương trình tập huấn của chúng ta – một hợp phần cực kỳ quan trọng đóng góp vào hiệu quả của dự án cũng như của tổ chức.
Các buổi chia sẻ tương tự cũng đã được thực hiện tại Văn phòng Hoà Bình và Cao Bằng và dự kiến sẽ được tổ chức tại Văn phòng Bắc Kạn trong thời gian sắp tới.
Rau bò khai có rất nhiều tên gọi như: dây hương, rau dạ hiến, khau hương, rau ngót leo… và cũng là một loại rau có nhiều ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, điển hình ở Cao Bằng và Bắc Kạn.
Rau bò khai là một loại rau rừng có mùi vị hơi đặc biệt. Chính vì vậy mà dân gian gọi nó bằng cái tên là rau bò khai.
Loại rau bò khai rất quen thuộc với bà con các tỉnh miền núi phía Bắc. Rau có lá khá giống với rau ngót, nhưng ngọn lại tròn và mập như ngọn su su. Phần ngọn và lá non của rau bò khai thường được sử dụng để làm thực phẩm, chế biến các món rau trong bữa ăn hàng ngày như luộc, xào tỏi, xào thịt, nấu canh… Hương vị của rau bò khai rất đặc biệt, không hề bị lẫn với các loại rau rừng khác, là sự hoà quyện của hương đất, hương rừng và sự tinh khiết của khí trời vùng núi cao.
Để khép lại Bản tin Đồng Hành tháng này, hãy cùng Đội ngũ biên tập tham gia trả lời một vài câu hỏi liên quan tới dự án ICT nhé!
Các câu hỏi có tham khảo số liệu từ Báo cáo về các chỉ tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam & Báo cáo của Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG)